Doanh nghiệp hiến kế "bắt tay" với Thái Lan để chinh phục thị trường sầu riêng tại Trung Quốc

25/05/2025 00:14

Để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, chuyên nghiệp và chinh phục thị trường hơn 1 tỷ dân tại Trung Quốc, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.

Những giải pháp cấp thiết

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của nước nhập khẩu, các đơn vị, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp cấp thiết để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững và mang lại giá trị cao.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết hiện nay vùng nguyên liệu vẫn chưa có chế tài cụ thể dành cho nông dân. Việc canh tác chủ yếu mang tính manh mún, nhỏ lẻ. 

Do đó, vai trò của chính quyền địa phương cần được tăng cường, đặc biệt là trong việc rà soát tình hình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình canh tác. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu không chỉ từ phía thị trường Trung Quốc mà còn từ chính người tiêu dùng trong nước. 

Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền để nông dân hiểu và áp dụng đúng quy trình sản xuất, cần kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng cơ chế quản lý nghiêm ngặt hơn.

Doanh nghiệp hiến kế "bắt tay" với Thái Lan để chinh phục thị trường sầu riêng tại Trung Quốc- Ảnh 1.

Sầu riêng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.

Bà Vy cũng đề xuất tỉnh Đắk Lắk xây dựng chương trình phát triển ngành hàng sầu riêng theo tiêu chuẩn quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm cho tất cả các thành phần tham gia chuỗi liên kết.

"Hiện nay, thuốc bảo quản sầu riêng ở Việt Nam còn rất hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là việc hết sức cấp thiết", bà Vy nhấn mạnh.

Ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TMDV Rồng Đỏ nhận định, Thái Lan đang đi trước Việt Nam trong việc phát triển chuỗi giá trị và mở rộng thị phần sầu riêng tại thị trường Trung Quốc. Ngay cả khi Thái Lan gặp sự cố về dư lượng vàng ô đầu năm 2025, các biện pháp kiểm soát của nước nhập khẩu cũng khiến Việt Nam bị ảnh hưởng theo.

"Đây là tín hiệu cho thấy, nếu muốn phát triển bền vững, Việt Nam không nên đi một mình. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với Thái Lan, cùng xây dựng thương hiệu khu vực để chinh phục thị trường Trung Quốc", ông Thìn chia sẻ.

Doanh nghiệp hiến kế "bắt tay" với Thái Lan để chinh phục thị trường sầu riêng tại Trung Quốc- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.

Vẫn theo ông Thìn, hiện Trung Quốc đang kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng kim loại nặng như cadimi và vàng ô. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Chính phủ Trung Quốc đang xây dựng niềm tin với người tiêu dùng nội địa. Nếu Thái Lan cùng Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề này, sản phẩm nông sản từ hai nước sẽ được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cho rằng, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn chính thức về xử lý sau thu hoạch đối với quả sầu riêng. Đây là nguồn cơn của câu chuyện sầu riêng bị nhiễm dư lượng cadimi và vàng. 

Bản thân doanh nghiệp không biết phải tìm sản phẩm xử lý sau thu hoạch cho sầu riêng để đáp ứng nhu cầu của nước nhập khẩu nên phải "vừa đi vừa dò đường. Do đó, cần ban hành ngay các thông tư, hướng dẫn về xử lý sau thu hoạch đối với trái sầu riêng.

Bên cạnh đó, đối với sầu riêng cấp đông, Việt Nam mới ký Nghị định thư vào cuối năm 2024, nhưng đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chí kỹ thuật cũng như thông tư hướng dẫn cụ thể.

Trong khi đó, tỉ lệ kho xưởng và cơ sở đủ điều kiện cấp đông hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng hệ thống xử lý sau thu hoạch của ngành hàng sầu riêng. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 1.000 cơ sở thì chỉ có khoảng 100 xưởng bóc tách, cấp đông sầu riêng.

Với tốc độ tăng trưởng của ngành hàng sầu riêng hiện nay, bà Thanh kiến nghị cần có chính sách ở tầm vĩ mô từ các bộ, ngành, đặc biệt là chính sách ưu đãi tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến cấp đông, xử lý sau thu hoạch tại các khu công nghiệp và vùng chuyên canh. 

Điều này càng trở nên cấp thiết khi vụ thu hoạch chính ở Đắk Lắk có thể đạt tới 400.000 tấn trong vòng chỉ hai tháng, gây áp lực rất lớn lên hệ thống tiêu thụ và bảo quản.

Bà Thanh cũng đề xuất cần thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật ngay tại các vùng nguyên liệu lớn như Đắk Lắk để kiểm tra hàng hóa trước khi đưa lên container, thay vì kiểm dịch tại cửa khẩu như hiện nay. 

Cách làm này sẽ thay thế việc kiểm dịch tại cửa khẩu như hiện nay, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển và tránh tình trạng hàng hóa phải nằm chờ kiểm dịch trong thời gian dài, dẫn đến hư hỏng.

Cần xác định sầu riêng là sản phẩm chiến lược quốc gia

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc, Bộ trưởng yêu cầu “chung thủy” với chuỗi liên kếtĐỌC NGAY

Ông Nguyễn Tri Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, một trong những vấn đề quan trọng là kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón. 

Hiện nay, một số loại phân bón nhập khẩu tại địa phương vẫn chưa được kiểm tra kỹ về ngưỡng an toàn của các kim loại nặng như cadimi, thủy ngân, asen. 

Việc giải quyết vấn đề này không đơn thuần chỉ là siết chặt quản lý, mà cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, ông Kỷ đề xuất cần kiểm soát chất lượng phân bón ngay từ khâu nhập khẩu và lưu hành trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp nội địa, vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm chi phí cho người sản xuất. Ngoài ra, cần tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật cho nông dân, giúp họ sử dụng phân bón một cách đúng cách, an toàn và hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp hiến kế "bắt tay" với Thái Lan để chinh phục thị trường sầu riêng tại Trung Quốc- Ảnh 4.

Cần xác định sầu riêng là sản phẩm chiến lược quốc gia để có sự đầu tư thỏa đáng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, cần xác định sầu riêng là sản phẩm chiến lược quốc gia để có sự đầu tư thỏa đáng.

"Phát triển ngành hàng sầu riêng không chỉ là cơ hội phát triển kinh tế mà còn là trách nhiệm với người nông dân, với uy tín nông sản quốc gia. Ngành hàng sầu riêng đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới từ tăng trưởng về lượng sang phát triển có kiểm soát, có chiều sâu, có trách nhiệm và có thương hiệu theo đúng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, đòi hỏi tất yếu của ngành hàng nông sản có tầm vóc quốc gia và khu vực. Tôi đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cùng nhau cam kết chuyển biến từ nhận thức đến hành động thực tế để xây dựng ngành hàng sầu riêng Việt Nam trở thành hình mẫu của nông sản chất lượng cao, có nguồn gốc minh bạch, trách nhiệm và sản xuất bền vững", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Khánh Ngọc