Đề xuất cải cách mới: Rút thủ tục từ 300 xuống 75 ngày để ‘cứu’ tiến độ nhà ở xã hội

25/05/2025 00:14

Theo Bộ trưởng Xây dựng, trình tự đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội hiện mất trung bình tới 300 ngày với chỉ cho một thủ tục. Trong khi đó, nếu áp dụng các đề xuất cải cách mới, thời gian này có thể rút xuống còn 75 ngày.

Nếu tinh gọn sẽ tiết kiệm thêm hàng trăm ngày công

Tại phiên họp ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã báo cáo, giải trình liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội .

Với tinh thần cầu thị và hành động, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt vướng mắc về cơ chế, chính sách và thủ tục đang cản trở mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Đề xuất cải cách mới: Rút thủ tục từ 300 xuống 75 ngày để ‘cứu’ tiến độ nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Như Ý

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đã được khẳng định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ triển khai còn chậm so với kỳ vọng.

Bộ trưởng thông tin, đến thời điểm này, cả nước mới hoàn thành khoảng 623.000 căn, trong đó mới chỉ có 73.000 căn hoàn tất đưa vào sử dụng – tương đương khoảng 15% mục tiêu.

Riêng trong năm 2025, chỉ tiêu là 100.000 căn nhưng mới có 15.600 căn hoàn thành và gần 20.000 căn được khởi công, đạt khoảng 44% kế hoạch.

Lý giải cho sự chậm trễ này, Bộ trưởng Trần Hồng Minh thẳng thắn chỉ ra “điểm nghẽn” lớn nhất nằm ở cơ chế, thể chế và quy trình thực hiện. Chúng ta có chính sách nhưng thiếu sự linh hoạt trong thực thi; có nguồn vốn nhưng giải ngân thấp; có nhà đầu tư nhưng thủ tục quá rườm rà khiến họ “nản lòng”.

Một trong những bất cập nổi bật là tiến độ thủ tục đầu tư kéo dài. Theo Bộ trưởng, trình tự đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội hiện mất trung bình tới 300 ngày – chỉ cho một thủ tục. Trong khi đó, nếu áp dụng các đề xuất cải cách mới, thời gian này có thể rút xuống còn 75 ngày.

Tương tự, thủ tục thẩm định quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, lập và phê duyệt tổng dự toán... nếu được tinh gọn sẽ giúp tiết kiệm thêm hàng trăm ngày công, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào thực tế.

Vấn đề quỹ đất và nguồn vốn tín dụng cũng là điểm mới được Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo ông, các địa phương phải chủ động bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội ngay trong quy hoạch , nhất là khi thực hiện tái định cư và giải phóng mặt bằng.

Không thể áp dụng một mức giá chung

Với nguồn vốn tín dụng, dù đã được Chính phủ giao hạn mức 120.000 tỷ đồng (sau nâng lên 145.000 tỷ), nhưng đến tháng 4 năm nay mới giải ngân được vỏn vẹn hơn 3.000 tỷ đồng – tức chưa đến 3%.

Theo ông, nguyên nhân một phần do các điều kiện vay quá chặt, quy trình tín dụng chưa phù hợp với thực tiễn đầu tư nhà ở xã hội, vốn đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước.

Đề xuất cải cách mới: Rút thủ tục từ 300 xuống 75 ngày để ‘cứu’ tiến độ nhà ở xã hội- Ảnh 2.

Không thể áp dụng một mức giá nhà ở xã hội chung cho các tỉnh thành. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, vấn đề giá bán, giá thuê nhà ở xã hội cũng là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến đề xuất thiết lập giá sàn , song theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, điều này khó khả thi, vì mỗi địa phương có điều kiện khác nhau về vật liệu, nhân công, quỹ đất…

Do vậy, chúng ta không thể áp dụng một mức giá chung cho các tỉnh thành. Giá nhà ở xã hội phải được xác định trên cơ sở dự toán đã phê duyệt tại từng địa phương, với mức chênh lệch không vượt quá 10%.

Để gỡ nút thắt hiện nay, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp từ đại biểu Quốc hội, hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, đồng thời ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương dễ dàng triển khai.

“Tư lệnh ngành” xây dựng cam kết sẽ cùng tiểu ban soạn thảo khẩn trương điều chỉnh dự thảo trong những ngày tới, bảo đảm chính sách phát triển nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống.

Tuyên bố đầy quyết tâm của Bộ trưởng là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp , công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp vẫn đang rất cấp bách.