Chính quyền địa phương 2 cấp: Tăng cường hiệu lực triển khai chính sách dân tộc, tôn giáo

16/07/2025 21:30

(Chinhphu.vn) - Trong tiến trình phát triển của đất nước, công tác dân tộc và tôn giáo không đơn thuần là một lĩnh vực quản lý hành chính – đó là yếu tố then chốt giữ gìn và vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính khối đại đoàn kết ấy là nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua mọi thử thách, hội nhập sâu rộng và phát triển bao trùm.

Tôn trọng sự đa dạng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, gắn bó lâu đời và cùng nuôi dưỡng khát vọng về một tương lai thịnh vượng. Bức tranh văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của đất nước cũng rất đa dạng, với 40 tổ chức tôn giáo được công nhận, gần 28 triệu tín đồ, hơn 200.000 chức sắc, chức việc và khoảng 30.000 cơ sở thờ tự trải rộng khắp cả nước.

Chính quyền địa phương 2 cấp: Tăng cường hiệu lực triển khai chính sách dân tộc, tôn giáo- Ảnh 1.

Việc quản lý tốt công tác dân tộc và tôn giáo không chỉ dừng lại ở chức năng quản trị nhà nước, mà còn là hành động cụ thể để giữ gìn khối đoàn kết toàn dân, vun đắp lòng tin và tạo dựng một kỷ nguyên phát triển mới.

Những con số đó không chỉ thể hiện sự phong phú, mà còn phản ánh rõ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo – một trong những quyền cơ bản của con người.

Tuy nhiên, chính sự đa dạng ấy đòi hỏi cách tiếp cận quản lý linh hoạt, tinh tế và hiệu quả, nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng và sắc tộc. Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hành chính, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, kéo theo sự thay đổi toàn diện về cơ chế vận hành, phân bổ nguồn lực và triển khai chính sách ở cơ sở.

Nghị định 124/2025/NĐ-CP - Bước chuyển mới trong công tác quản lý Nhà nước

Chính quyền địa phương 2 cấp: Tăng cường hiệu lực triển khai chính sách dân tộc, tôn giáo- Ảnh 2.

Hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và sát với thực tiễn từng địa bàn.

Trước những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn quản lý, ngày 11/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2025/NĐ-CP, quy định về phân quyền, phân cấp và xác định rõ thẩm quyền giữa hai cấp chính quyền địa phương trong lĩnh vực công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu bước chuyển mới trong tiến trình đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với một lĩnh vực vốn nhạy cảm và có nhiều đặc thù.

Nghị định nhấn mạnh việc phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, nhằm tăng cường tính chủ động và linh hoạt cho địa phương trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội của từng vùng, từng cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, Nghị định thúc đẩy việc lồng ghép chính sách dân tộc, tín ngưỡng và tôn giáo vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ và nhất quán trong mục tiêu phát triển bền vững, thay vì xem đây là những mảng chính sách riêng lẻ, tách rời.

Không dừng lại ở đó, Nghị định còn góp phần tháo gỡ những bất cập tồn tại lâu nay trong hệ thống hành chính, như tình trạng chồng chéo chức năng, phân tán nguồn lực, hay đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành – những điểm nghẽn từng làm suy giảm hiệu quả triển khai chính sách trên thực tế.

Chính quyền địa phương 2 cấp: Tăng cường hiệu lực triển khai chính sách dân tộc, tôn giáo- Ảnh 3.

Trong một đất nước giàu bản sắc như Việt Nam, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo là một mạch nguồn không thể thiếu trong dòng chảy chung của dân tộc.

Gắn kết con người – nâng cao hiệu quả thực thi chính sách

Tuy nhiên, dù cơ chế, chính sách có tiến bộ đến đâu, nếu thiếu đội ngũ thực thi đủ năng lực và không đủ các giải pháp triển khai cụ thể, đồng bộ thì hiệu quả vẫn khó đạt được như kỳ vọng.

Bên cạnh hành lang pháp lý hiện có, theo ông Vũ Hoài Bắc – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo), cần đồng thời triển khai 7 nhóm giải pháp chiến lược nhằm nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng và tôn giáo, phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và sát với thực tiễn từng địa bàn.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là tại cấp cơ sở – nơi trực tiếp làm việc với người dân, xử lý các vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Đây không chỉ là câu chuyện về năng lực chuyên môn, mà còn là yêu cầu về khả năng nắm bắt tình hình "từ sớm, từ xa".

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc, tôn giáo toàn diện, cập nhật, phục vụ công tác hoạch định chính sách.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo; sử dụng linh hoạt các kênh thông tin truyền thống (báo chí, phát thanh, truyền hình) và hiện đại (mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử) trong công tác truyền thông; kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ năm, phát huy vai trò của người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản… như những "cầu nối" tin cậy giữa chính quyền và nhân dân. Đối thoại, lắng nghe và tôn trọng ý kiến từ cơ sở sẽ là chìa khóa để xây dựng niềm tin và sự đồng thuận.

Thứ sáu, củng cố hệ thống chính trị ở các vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, đồng thời phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, ưu tiên đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số – những người hiểu phong tục, ngôn ngữ và tâm tư của cộng đồng.

Thứ bảy, tăng cường công tác đối ngoại về dân tộc và tôn giáo, để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới, và khẳng định quan điểm đúng đắn, chính đáng của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và toàn cầu.

Đa dạng là sức mạnh – Đoàn kết là nền tảng

Trong một đất nước giàu bản sắc như Việt Nam, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo là một mạch nguồn không thể thiếu trong dòng chảy chung của dân tộc. Việc quản lý tốt công tác dân tộc và tôn giáo không chỉ dừng lại ở chức năng quản trị nhà nước, mà còn là hành động cụ thể để giữ gìn khối đoàn kết toàn dân, bảo vệ quyền con người, vun đắp lòng tin và tạo dựng một kỷ nguyên phát triển mới, bao trùm – nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

Sơn Hào