Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ trí thức trẻ

16/07/2025 21:00

Ông Lương nhấn mạnh, thu hút, tập hợp trí thức trẻ không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết để đổi mới hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam mà còn là chiến lược lâu dài để hình thành thế hệ trí thức kế cận đủ năng lực, bản lĩnh và khát vọng cống hiến.

Đề xuất xây dựng mạng lưới trí thức trẻ

Trình bày tham luận tại Hội thảo "Công tác đoàn kết, thu hút tập hợp đội ngũ trí thức trẻ trong hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)" diễn ra sáng 16/7, ông Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) nhấn mạnh, trí thức là lực lượng đặc biệt quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đội ngũ trí thức trẻ hiện nay bao gồm các nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ khoa học, chuyên gia trẻ hoạt động trong các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức khoa học và công nghệ… Đây là lực lượng nòng cốt góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ trí thức trẻ - Ảnh 1.

Ông Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA).

Theo ông Lương, nếu như năm 2009 tổng số trí thức mới có 4 triệu người thì đến 2019 có 6,7 triệu người. Như vậy, sau 10 năm từ 2009 đến 2019 số lượng trí thức đã tăng 2.723.044 người, trong đó số tốt nghiệp đại học tăng 2.460.414 người; số tốt nghiệp thạc sĩ tăng 247.811 người; số có trình độ tiến sĩ tăng 15.219 người. Số lượng trí thức đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng tăng nhanh.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra những hạn chế như chất lượng nhân lực khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cơ cấu, phân bổ nhân lực khoa học và công nghệ chưa hợp lý. 

Nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phần đông tập trung ở khu vực Nhà nước, thiếu vắng trong doanh nghiệp. Nhân lực công nghệ cao chủ yếu ở một số ngành như công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa.

Việc phân bố nguồn nhân lực khoa học công nghệ cũng còn bất cập, chênh lệch vùng miền, nhân lực khoa học công nghệ thường tập trung số lượng lớn ở các thành phố lớn, như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng..., thiếu đội ngũ ở các khu vực xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa như Tây Bắc, Tây Nguyên.

Đề tập hợp trí thức trẻ, ông Lương đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các chương trình hành động, cuộc thi, diễn đàn khoa học dành riêng cho trí thức trẻ.

Tổ chức các hoạt động học thuật kết hợp thực tiễn: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng, công nghệ xanh, bảo vệ môi trường…

Thực hiện số hóa hoạt động của hội, phát triển các nền tảng trực tuyến để tiếp cận và tương tác với trí thức trẻ hiệu quả hơn.

Đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trí thức trẻ như: Xây dựng Quỹ hỗ trợ sáng tạo và nghiên cứu cho trí thức trẻ trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Có chính sách ưu tiên mời trí thức trẻ tham gia Ban Chấp hành, Ban điều hành các hội, tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc.

Xây dựng mạng lưới trí thức trẻ, hình thành mạng lưới trí thức trẻ Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động theo cụm chuyên môn (môi trường, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao...).

Cần nắm được nguyện vọng, mong muốn

Ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC chia sẻ, có kinh nghiệm nhiều năm làm Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cấp tỉnh, ông nhận thấy nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân và trí thức trẻ bây giờ rất khác. Muốn tập hợp được họ thì phải nắm được nguyện vọng, mong muốn của họ.

Ông Khanh cũng nêu thực tế, hiện nay đào tạo cho doanh nhân tràn lan, người ta thích đi học những lớp học triệu phú, triệu đô. Đặc biệt, giới trẻ cũng vậy. "Cho nên, để tập hợp được đội ngũ trí thức trẻ thì đây là một bài toán tương đối khó", ông Khanh chia sẻ.

Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ trí thức trẻ - Ảnh 2.

Ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ thu hút lực lượng trí thức doanh nhân và trí thức trẻ tham gia hoạt động, Viện doanh nhân APEC đã tổ chức 2 hoạt động để thu hút trí thức là doanh nhân và trí thức trẻ: Đó là, thành lập các câu lạc bộ doanh nhân trí thức và tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo sinh viên.

Qua hoạt động thực tiễn của Viện, ông Khanh rút ra các bài học: Năng động sáng tạo là nền tảng. Hình thức tập hợp và thu hút đội ngũ trí thức doanh nhân, trí thức trẻ phải đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, sinh động (khát vọng của tuổi trẻ là muốn cống hiến, muốn khảng định).

Khác biệt là chìa khóa thành công. Sự khác biệt của mỗi hoạt động là tiền đề cho thành công. Nếu không có sự khác biệt trong mỗi hoạt động sẽ không thu hút được đội ngũ trí thức, đặc biệt trí thức trẻ…

Cuối cùng là mở rộng tầm nhìn kết nối muôn phương. Dám mời các doanh nhân đã thành công, có thời gian, có điều kiện kinh tế, có tâm cống hiến, có ước vọng muốn hoạt động, đóng góp vì cộng đồng… tham gia Ban lãnh đạo Viện để cùng chia sẻ.

Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ trí thức trẻ - Ảnh 3.

Ông Đặng Vũ Cảnh Linh- Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Nêu một số giải pháp đoàn kết, thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ trong hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhấn mạnh: Trí thức trẻ Việt Nam ngày càng thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đi đầu trong khởi nghiệp, đổi mới công nghệ và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, công tác đoàn kết, thu hút, tập hợp trí thức nói chung và trí thức trẻ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thực tế các số liệu thống kê cho thấy số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức Việt Nam không đồng đều, phân bố chưa hợp lý ở các ngành, các lĩnh vực và vùng miền, thiếu cán bộ khoa học nghiên cứu cơ bản. Thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

Ông Linh đề xuất Liên hiệp Hội Việt Nam cần triển khai nhóm giải pháp đồng bộ gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp về vai trò của trí thức, khơi dậy trách nhiệm và khát vọng cống hiến của đội ngũ trí thức trẻ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động cụ thể, xây dựng chính sách đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ trí thức trẻ; hoàn thiện cơ chế chính sách về tài năng trẻ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ chuyển giao sáng chế, sáng kiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế...

Bàn giải pháp thu hút trí thức trẻ trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống

Còn theo ông Lê Công Lương, thu hút, tập hợp trí thức trẻ không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết để đổi mới hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam mà còn là chiến lược lâu dài để hình thành thế hệ trí thức kế cận đủ năng lực, bản lĩnh và khát vọng cống hiến vì sự phát triển bền vững của đất nước. 

"Để làm được điều đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ thể chế chính sách đến cơ chế tài chính, từ thay đổi nhận thức đến hành động thực tiễn", ông Lương nhấn mạnh.