
Một vụ tiêu thụ lợn chết không rõ nguyên nhân được Quản lý thị trường và Công an phối hợp phát hiện trong thời gian gần đây. Ảnh: Nguyễn Bằng
Nhiều lỗ hổng quản lý của ngành y tế
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về thương mại và quản lý thị trường khẳng định, với bất cứ mặt hàng gì liên quan đến thực phẩm, đến sức khoẻ như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, quản lý ngành và giám sát tiền kiểm, hậu kiểm là trách nhiệm không thể chối bỏ với ngành y tế. Việc cấp phép cho doanh nghiệp, tổ chức sản xuất một loại thực phẩm, một loại thuốc hay một loại sữa cũng như kiểm tra về an toàn thực phẩm từ hè phố, cửa hàng cho đến siêu thị và cả khách sạn 5 sao là việc của các đơn vị thuộc ngành y tế. Những vụ bắt giữ gần đây của các cơ quan chức năng liên quan đến thực phẩm bẩn , thuốc, sữa giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, kem trộn các loại… cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý của ngành y tế. Sự tiếp tay của nhiều cán bộ, công chức ngành y tế, an toàn thực phẩm cũng lộ rõ sau các vụ bắt giữ gần đây.
Ngoài ngành y, theo vị này, các lực lượng khác cũng có chức năng và nhiệm vụ phối hợp chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu liên quan đến sức khỏe của người dân như: công an, biên phòng, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương. Thực tế cho thấy, khi các cơ quan chức năng đồng loạt triển khai các chiến dịch truy quét thực phẩm bẩn, hàng hoá không rõ nguồn gốc, thị trường sẽ lập tức thiếu nguồn cung, thậm chí quảng cáo của các cá nhân, tổ chức trên các nền tảng mạng xã hội sụt giảm nhanh chóng. Vì vậy, có thể nói, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, và hàng giả là cuộc chiến thường kỳ và không có hồi kết do liên tục xuất hiện các biến tướng mới.
“Dù biết sẽ có ngày phải trả giá nhưng những cá nhân, tổ chức buôn bán thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn sẽ lao vào do đây là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn. Chống hàng giả như chiến đấu với con bạch tuộc không đầu, chặt đứt vòi này thì nó lại mọc ra vòi khác. Chỉ cần cán bộ công chức các lực lượng bị mua chuộc, các nhóm tội phạm sẽ lại mọc lên”, vị này chia sẻ. Ông đề xuất tăng mức xử phạt nặng (cả từ phạt tiền đến hình sự) hơn nhiều lần hiện nay để tạo sức răn đe do mức xử phạt hiện hành bị đánh giá dễ “nhờn luật”, khiến nhiều đối tượng sẵn sàng chịu phạt khi bị phát hiện làm hàng giả.
Để dẹp tình trạng thực phẩm bẩn, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, theo vị này, trước hết các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần làm hết trách nhiệm trong việc tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó, vai trò đảm bảo chất lượng, sự nghiêm túc trong kiểm duyệt, đánh giá chất lượng sản phẩm và cấp phép của ngành y tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Ngành y tế có kiểm soát được chất lượng đầu vào một cách chặt chẽ, kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm túc thì sẽ không có chuyện các lực lượng khác phải “chạy đuổi theo” để truy quét, ngăn chặn.
Cùng với trách nhiệm của ngành y tế, hàng giả, hàng nhái đầy rẫy trên thị trường, trách nhiệm của quản lý thị trường ở đâu? Vị chuyên gia thừa nhận lực lượng quản lý thị trường hiện không thể quản xuể tất cả các mặt hàng. Điều này xuất phát từ 2 yếu tố: Con người và thiếu chức năng, công cụ để thực thi.
“Với đặc thù tổ chức, mỗi đội quản lý thị trường chỉ có vài người, có nơi chỉ có 1 - 2 người phụ trách cả một địa bàn rộng với từng mảng lĩnh vực chuyên sâu nên việc quản lý được tất cả mặt hàng là không thể. Về chuyên môn, quản lý thị trường chỉ có chức năng kiểm tra hồ sơ giấy tờ hàng hóa đầu vào, đầu ra, không có chuyên môn phân tích, kiểm tra các mặt hàng của các lĩnh vực khác như kiểm định an toàn, thú y. Việc lấy mẫu kiểm định hoặc kiểm tra chuyên ngành cần có sự phối hợp với các lực lượng khác, chứ quản lý thị trường không có chức năng nên nhiều trường hợp “bó tay”. Khi phát hiện chỉ xử phạt hành chính và đề xuất xử lý hình sự. Đây cũng là một hạn chế của lực lượng này”, vị chuyên gia thừa nhận.
“Vừa qua, công ty chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm yến sào của thương hiệu Yến sào Khánh Hòa bị làm giả. Sản phẩm giả khi quét mã QR sẽ không ra thông tin. Trên bao bì thông tin thể hiện địa điểm sản xuất nhưng cơ quan chức năng đến kiểm tra thì đây chỉ là nơi gia công dán nhãn hiệu. Với các sản phẩm nước yến gia công làm giả thường thông tin hàm lượng yến rất cao, từ 20% lên đến 70% nhưng giá bán chỉ vài chục nghìn đồng/lọ trong khi thực tế kiểm nghiệm của chúng tôi, hàm lượng yến trong các lọ này chỉ đạt vài phần trăm”.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Yến sào Khánh Hòa
Phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân
Về việc người tiêu dùng cần làm gì trước tình trạng thực phẩm bẩn, thuốc giả, sữa giả và các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc tràn lan, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, khi mua hàng cần lựa chọn những địa chỉ, nhãn hàng uy tín được nhiều người tiêu dùng tin dùng, bình chọn, nhất là khi mua hàng online. Người tiêu dùng không nên mua những sản phẩm, hàng hóa có màu sắc, hình dáng, mùi vị, giá rẻ bất thường; chỉ nên mua các sản phẩm, hàng hóa có nhãn mác sắc nét, rõ ràng với đầy đủ thông tin về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, có thể thực hiện kiểm tra nhanh sản phẩm thông qua đường dây nóng (hotline) của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, thông tin trên website của doanh nghiệp, tra cứu thông tin doanh nghiệp trên trang công khai của cơ quan thuế, quản lý thị trường hay Cục Sở hữu trí tuệ.
Ông Linh cho rằng, việc phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm sẽ góp phần chỉ đích danh, tránh tình trạng “đổ lỗi” như trong các vụ phát hiện sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng, thực phẩm bẩn được sản xuất, nhập khẩu quy mô lớn vào Việt Nam thời gian qua.