‘Siêu thực phẩm’ của Việt Nam được đối thủ Thái Lan mạnh tay săn lùng: Xuất khẩu tăng trưởng 3 chữ số, Mỹ là khách ruột nhiều năm liên tiếp

27/07/2025 08:02

Bên cạnh sầu riêng, đây cũng là mặt hàng mà Việt Nam - Thái Lan đang cạnh tranh gay gắt.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong tháng 6/2025, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 67 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 473 triệu USD, gần tương đương cùng kỳ năm ngoái (tăng nhẹ 0,2%).

Trước những lo ngại về việc Mỹ áp mức thuế đối ứng mới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã chủ động dừng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này để tránh rủi ro bị đánh thuế cao. Do đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ chỉ đạt 18 triệu USD trong tháng 6/2025, giảm mạnh 41% so với cùng kỳ 2024. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam với kim ngạch đạt 184 triệu USD trong 6 tháng, chiếm gần 39% tổng giá trị xuất khẩu.

Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường EU cũng tiếp tục sụt giảm sâu hơn trong tháng 6. Tính luỹ kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU chỉ tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ, đạt 109 triệu USD. Xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực tại khu vực này giảm sâu trong tháng 6 như Hà Lan giảm 30%, Italy giảm 32%. Trái lại xuất khẩu cá ngừ sang Đức lại tăng cao 36% trong tháng 6, sau khi giảm liên tục trong 3 tháng qua. Tình hình kinh tế yếu kém tại khu vực Nam Âu và chi phí logistic tăng cao được cho là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thủy sản.

Ngược lại, thị trường CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với 62 triệu USD (tăng 11%). Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada lại tăng mạnh lần lượt là 24% và 15%. Đây là điểm sáng đáng chú ý trong bối cảnh các thị trường lớn sụt giảm.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Thái Lan tăng trưởng đột biến tới 137% (20 triệu USD), thể hiện vai trò ngày càng tăng của quốc gia này như một trung tâm chế biến và tái xuất.

Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu, nhóm sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 ghi nhận tăng trưởng tốt 10%, cho thấy nhu cầu ổn định từ các nhà máy chế biến thực phẩm và siêu thị quốc tế.

Hiện nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 thế giới xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Hiện chuỗi cung ứng cá ngừ nguyên liệu ở khu vực Đông Nam Á đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam, thay vì chỉ có Thái Lan như trước đây. Trước đó trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023.

Dự báo trong năm 2025, thị trường cá ngừ toàn cầu sẽ tiếp tục biến động do thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu. Các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước sẽ giúp cá ngừ Việt Nam có lợi thế khi xuất khẩu sang các thị trường như EU, UAE, Nhật Bản, Canada,…. Tuy nhiên, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ vẫn là thách thức lớn với ngành cá ngừ Việt Nam. Các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, đánh bắt bền vững và chống đánh bắt IUU đang trở thành điều kiện bắt buộc tại các thị trường lớn.