
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm của sắn của Việt Nam trong tháng 6 đạt hơn 273 nghìn tấn với trị giá hơn 85 triệu USD, giảm mạnh 29,5% về lượng và giảm 26,5% về trị giá so với tháng 5.
Lũy kế trong nửa đầu năm 2025, mặt hàng nông sản này đã thu về hơn 687 triệu USD với hơn 2,2 triệu tấn, tăng mạnh 63,1% về lượng và tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là 'khách sộp' của Việt Nam ở mặt hàng được mệnh danh 'vàng trắng dưới lòng đất' này. Kể từ đầu năm đến nay, nước ta đã xuất sang Trung Quốc hơn 2,1 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tăng mạnh 70% về lượng và tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá xuất khẩu giảm mạnh 1/3 so với cùng kỳ, chỉ đạt bình quân 298 USD/tấn.
Đứng thứ 2 là Đài Loan (TQ) với gần 30 nghìn tấn, trị giá hơn 11 triệu USD, tăng 8% về lượng nhưng giảm 27% so với cùng kỳ. Giá cũng giảm 1/3 so với nửa đầu năm 2024, đạt bình quân 370 USD/tấn.

Philippines là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 16 nghìn tấn, trị giá hơn 5,6 triệu USDm tăng mạnh 55% về lượng nhưng chỉ tăng 2% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân 340 USD/tấn, mức giảm tương đương 2 thị trường chủ đạo nêu trên.
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, do nhu cầu tiêu thụ thấp, lượng tồn kho tại cảng Trung Quốc tăng cao, tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung tại các nước Thái Lan, Việt Nam, Lào lại dồi dào, khiến cho quốc gia tỷ dân này dễ dàng "ép giá" thu mua sắn với giá rẻ bèo.
Trước đó trong năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 92,85% về lượng và chiếm 91,77% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước. Nhu cầu sắn lát của thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm và đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Sự sụt giảm mạnh trong nhập khẩu sắn lát này phần lớn là do nhu cầu từ các nhà máy chế biến sắn của Trung Quốc giảm.
Ngoài ra, giá ngô thấp đã khiến nhiều nhà máy thay thế sắn lát bằng ngô. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy chế biến và sản xuất sắn của Việt Nam, mặc dù đang chính vụ nhưng nhiều nhà máy sắn có kế hoạch dừng máy nghỉ vụ sớm. Trong khi đó, trên cả nước, do diện tích sắn vụ 2024-2025 ước tính tăng khoảng trên 10% so với vụ trước 2023-2024, sản lượng sắn củ tươi chưa thu hoạch còn nhiều, dự kiến buộc phải chuyển sang làm sắn lát hoặc để cây sắn qua vụ sau.
Tại Mường Lát, Thanh Hóa - nơi sắn là cây trồng chủ lực - có hiện tượng sắn đã thu hoạch được đóng bao chất đầy đường mà không có thương lái đến thu mua. Thậm chí, sắn vào vụ mà người dân không muốn nhổ củ bán, bởi tiền thu về không đủ trả chi phí thuê nhân công. Hiện giá sắn trên thị trường đã giảm mạnh, chỉ còn 1.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giảm xuống mức 900 đồng/kg.
Trước thực trạng ngành sắn gặp nhiều khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.