
Ngày 10/7/2025, Cảnh sát khu vực Trung Java (Indonesia) đã chính thức công bố thông tin về việc đột kích triệt phá một cơ sở sản xuất phân bón giả tại huyện Boyolali thông qua nhiều thông tin khiếu nại. Nhà máy này được xác định có công suất hoạt động từ 260 đến 400 tấn phân bón mỗi tháng, cung cấp ra thị trường nhiều loại sản phẩm dưới nhãn hiệu quen thuộc như Enviro và Spartan.
Theo ông Arif Budiman, Giám đốc Cơ quan Điều tra Hình sự Đặc biệt của Cảnh sát khu vực Trung Java, mọi việc bắt đầu từ một báo cáo của nông dân tại làng Gilirejo, huyện Sragen. Họ phản ánh rằng loại phân bón mang nhãn hiệu Enviro có chất lượng thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Lực lượng Đặc nhiệm Thực phẩm sau đó đã tiến hành điều tra, truy vết nguồn gốc sản phẩm và phát hiện CV Sayap ECP, một doanh nghiệp có trụ sở tại Karanganyar Regency, là đơn vị sản xuất phân bón Enviro. Ngoài ra, công ty này còn sản xuất các sản phẩm khác như Spartan NPK, Spartan NKCL và Spartan SP-36.
Sau khi khám xét nhà máy và kho hàng của CV Sayap ECP tại Boyolali, cảnh sát thu giữ nhiều mẫu phân bón khác nhau và gửi đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng Tiêu chuẩn Dụng cụ Nông nghiệp Trung Java.
Kết quả xét nghiệm cho thấy thành phần các loại phân bón đều không đạt chuẩn, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia Indonesia (SNI). Mặc dù CV Sayap ECP có giấy phép kinh doanh hợp pháp và chứng nhận SNI, nhưng việc sản phẩm không khớp với thành phần ghi trên nhãn vẫn là vi phạm nghiêm trọng. Ví dụ, một trong những nhãn hiệu Enviro có hàm lượng Nitơ, Phốt pho và Kali đều dưới 1%. Trong khi thành phần được ghi trên nhãn bao bì đều trên 10%.
“Đây là hành vi gian lận thương mại rõ ràng. Có giấy phép và chứng nhận SNI nhưng cố tình sản xuất hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng,” ông Arif nhấn mạnh.
Theo ước tính của cơ quan chức năng, từ hoạt động sản xuất và phân phối phân bón giả, CV Sayap ECP thu về khoản lợi nhuận dao động từ 171 đến 257 triệu rupiah (tương đương khoảng 270 triệu – 400 triệu đồng Việt Nam) mỗi tháng.

Người đứng đầu công ty, có tên viết tắt là TS, đã bị cảnh sát xác định là nghi phạm chính trong vụ án. Nếu bị kết án, TS có thể đối mặt với mức án tù lên tới 5 năm hoặc phạt tiền tối đa 2 tỷ rupiah (hơn 3,2 tỷ đồng).
Vụ phát hiện và triệt phá đường dây sản xuất phân bón giả này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng đang len lỏi trên thị trường, đặc biệt ở các vùng nông thôn nơi người dân dễ bị lừa bởi bao bì bắt mắt và giá cả cạnh tranh.
"Điều này rõ ràng có thể khiến vụ thu hoạch của người nông dân không đạt mức tối ưu", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Trồng trọt tỉnh Trung Java (Distanbun) nói.
Giới chức Indonesia kêu gọi nông dân cần cảnh giác khi mua vật tư nông nghiệp, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan kiểm tra chất lượng siết chặt việc giám sát, kiểm nghiệm định kỳ các sản phẩm lưu hành trên thị trường.