Chi hội Luật gia Trường đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

20/05/2025 00:13

Hội nghị được tổ chức đúng vào dịp cả nước đang sôi nổi tham gia góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Sáng ngày 19/5, tại Khoa Luật, Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT), không khí sôi nổi và tràn đầy tinh thần trách nhiệm đã lan tỏa trong Hội nghị góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Sự kiện do Chi hội Luật gia Trường ĐHCT tổ chức đã thu hút đông đảo giảng viên, sinh viên, các chuyên gia pháp lý và đại diện các tổ chức đoàn thể, thể hiện tinh thần dân chủ, tâm huyết và ý thức xây dựng pháp luật của cộng đồng học thuật miền Tây.

Chi hội Luật gia Trường đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013- Ảnh 1.

PGS.TS. Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Trường ĐHCT, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường ĐHCT phát biểu.

Hội nghị được tổ chức vào dịp cả nước đang sôi nổi tham gia góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. 

Trong bối cảnh đó, Khoa Luật – nơi hội tụ những trái tim nhiệt huyết với pháp luật – đã trở thành điểm sáng, tiên phong trong việc tổ chức một diễn đàn mang tính học thuật và thực tiễn cao.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Trường ĐHCT, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường ĐHCT, nhấn mạnh: "Việc sửa đổi Hiến pháp là một bước đi quan trọng, không chỉ để hoàn thiện khung pháp lý mà còn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới. Hội nghị hôm nay là cơ hội để các thế hệ giảng viên, sinh viên và chuyên gia pháp lý tại Cần Thơ đóng góp ý kiến, thể hiện trách nhiệm công dân và tinh thần đổi mới".

Chi hội Luật gia Trường đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013- Ảnh 2.

ThS.Đinh Thanh Phương, Phó Bí thư Đảng bộ khoa Luật, trình bày dự thảo.

Hội nghị được thiết kế với 2 phần chính: trình bày dự thảo và thảo luận góp ý. Phần trình bày do ThS.Đinh Thanh Phương, Phó Bí thư Đảng bộ Khoa Luật, đã cung cấp cái nhìn tổng quan về các nội dung sửa đổi, bổ sung, đặc biệt tập trung vào các điều khoản liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Các tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi với quy định hiện hành, giúp người tham dự dễ dàng nắm bắt và phân tích.

Chi hội Luật gia Trường đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013- Ảnh 3.

ThS. Nguyễn Nam Phương, giảng viên Khoa Luật chia sẻ góp ý.

Phần thảo luận nhanh chóng trở thành điểm nhấn của hội nghị. Các đại biểu, từ những giảng viên dày dặn kinh nghiệm đến các sinh viên trẻ tuổi, đều tích cực đóng góp ý kiến.

Một số ý kiến tập trung vào việc làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, đề xuất bổ sung cụm từ "các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ" vào Điều 9 để khẳng định rõ hơn vị thế của các tổ chức này.

Sinh viên Đồng Xuân Duyên, lớp Luật K49, chia sẻ: "Em thấy việc sửa đổi Hiến pháp lần này rất ý nghĩa, đặc biệt là việc tinh gọn bộ máy hành chính. Em đề xuất cần làm rõ hơn các quy định về quyền giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã để đảm bảo tính dân chủ."

Không chỉ dừng lại ở các ý kiến chuyên môn, hội nghị còn ghi nhận những đóng góp mang tính thực tiễn. ThS. Nguyễn Nam Phương, một giảng viên trẻ, góp ý quy định tại Khoản 2 Điều 115 liên quan đến đối tượng và hình thức chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.

"Theo quy định hiện hành, người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân, tuy nhiên cách quy định này mới chỉ phản ánh hình thức chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, mà chưa bao gồm hình thức chất vấn bằng văn bản trong thời gian giữa hai kỳ họp, một hình thức đang được áp dụng rất hiệu quả tại Quốc hội theo Điều 80 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Do đó, tôi đề nghị bổ sung quy định về hình thức chất vấn gián tiếp, cụ thể là bằng văn bản, nhằm bảo đảm tính linh hoạt, thực tiễn và phù hợp với điều kiện hoạt động của đại biểu HĐND.

Cụ thể, nên sửa đổi Khoản 2 Điều 115 theo hướng bổ sung nội dung: "…Người bị chất vấn phải trả lời tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; trong thời gian giữa hai kỳ họp, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân có thể yêu cầu trả lời bằng văn bản".

Những ý kiến như thế không chỉ thể hiện sự tâm huyết mà còn cho thấy sự đồng thuận cao về sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp.

Chi hội Luật gia Trường đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013- Ảnh 4.

Điểm sáng của hội nghị là sự tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên Khoa Luật. Với vai trò là thế hệ trẻ, những người sẽ kế thừa và thực thi pháp luật trong tương lai, các bạn đã mang đến những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo.

Không chỉ thảo luận trực tiếp, nhiều sinh viên còn tích cực hướng dẫn bạn bè và người thân tham gia góp ý qua ứng dụng VNeID, thể hiện sự năng động trong việc ứng dụng công nghệ số vào công cuộc xây dựng pháp luật. Hình ảnh các bạn trẻ ngồi quây quần, cùng nhau nghiên cứu từng điều khoản, đã tạo nên một không khí học thuật đầy cảm hứng.

Sinh viên Nguyễn Các Nhựt Minh, lớp Luật K50, bày tỏ: "Tham gia hội nghị, em không chỉ học hỏi được nhiều kiến thức pháp lý mà còn cảm thấy tự hào khi được đóng góp ý kiến cho một văn bản quan trọng như Hiến pháp. Đây là cơ hội để chúng em rèn luyện tư duy phản biện và ý thức công dân".

Đảng bộ Hội Luật gia Việt Nam tham dự trực tuyến Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 66 và 68Hội Luật gia tỉnh Nghệ An giải đáp nhiều thắc mắc về đất đai của người dânĐảng bộ Hội Luật gia Việt Nam tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp

Kết thúc hội nghị, các ý kiến được tổng hợp đầy đủ, khách quan để gửi về Hội Luật gia Tp. Cần Thơ theo đúng tiến độ.

PGS.TS. Phan Trung Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường ĐHCT, khẳng định: "Hội nghị lần này có ý nghĩa rất thiết thực.

Trước hết, đây là hoạt động mang tính chuyên môn, được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các hội viên có cơ hội chia sẻ, đóng góp ý kiến và trao đổi chuyên môn sâu sắc.

Thông qua đó, các hội viên không chỉ hiểu nhau hơn mà còn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, cũng như khả năng phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng tạo ra một môi trường học thuật mở, nơi sinh viên có cơ hội lắng nghe các ý kiến đa chiều từ các giảng viên, từ đó mở rộng góc nhìn và hiểu biết.

Đồng thời, sinh viên cũng được khuyến khích phát biểu, bày tỏ quan điểm xuất phát từ chính nhận thức và trải nghiệm của mình. Qua quá trình này, nhận thức của các em về vai trò, tầm quan trọng của Hiến pháp và tính dân chủ trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam được nâng cao rõ rệt."

Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tại Khoa Luật, Trường ĐHCT đã khép lại với những dư âm tích cực.

Từ những ý kiến tâm huyết, những tranh luận sôi nổi đến tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu, sự kiện đã khẳng định vai trò của giới học thuật trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Đây không chỉ là một hoạt động mang ý nghĩa pháp lý mà còn là một hành trình khơi dậy niềm tự hào, ý thức công dân và khát vọng cống hiến cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trần Tuấn - Mỹ Hậu