Cảnh báo nguy cơ mất tiền vì “cập nhật thông tin hành chính” sau sáp nhập

11/07/2025 13:30

Lợi dụng việc sáp nhập địa giới hành chính, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng giả danh cán bộ công an, nhân viên điện lực, cán bộ hành chính để tiếp cận người dân. Lực lượng công an phát đi cảnh báo, kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân cho người lạ.

Biến tướng thủ đoạn lừa đảo

Trước thực trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và có nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng liên tục thay đổi chiêu trò, lợi dụng sự hoang mang và thiếu cảnh giác của người dân để chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, sau khi cả nước triển khai việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, nhiều đối tượng đã giả mạo cán bộ cơ quan chức năng nhằm thu thập thông tin cá nhân và dữ liệu tài chính, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh trật tự và quyền lợi của người dân.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Gia Lai, chiêu thức lừa đảo phổ biến hiện nay là các đối tượng giả danh cán bộ hành chính, nhân viên điện lực hoặc công an, gọi điện yêu cầu người dân cập nhật thông tin cá nhân theo đơn vị hành chính mới để "đồng bộ dữ liệu".

Sau đó, chúng gửi các đường link hoặc ứng dụng độc hại nhằm chiếm quyền truy cập dữ liệu cá nhân, mã OTP, từ đó rút sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Cẩn trọng “bẫy” lừa đảo trên mạng sau sáp nhập tỉnh, xã - Ảnh 1.

Người dân cẩn cẩn trọng với thủ đoạn giả danh cán bộ, gọi điện lừa đảo.

Một vụ việc điển hình vừa xảy ra ngày 2/7. Chị N.T.H. (sinh năm 1994, trú tại thôn Tân Tiến, xã Kdang, tỉnh Gia Lai) bị lừa chiếm đoạt 5,6 triệu đồng.

Chị H. chia sẻ với Người Đưa Tin, một đối tượng đã gọi điện, tự xưng là nhân viên điện lực và yêu cầu chị cập nhật thông tin cá nhân sau khi địa phương có thay đổi hành chính. Kẻ này còn hướng dẫn chị cài đặt một "ứng dụng điện lực mới", thực chất là phần mềm độc hại dùng để lấy cắp thông tin tài khoản.

Sau đó, một người khác liên hệ qua Zalo, gửi mã QR yêu cầu xác nhận. Khi chị H. quét mã và nhập mã PIN theo hướng dẫn, toàn bộ số tiền trong tài khoản đã bị rút sạch.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng liên tục thay đổi chiêu trò, trong đó đáng lo ngại là thủ đoạn mạo danh lực lượng công an để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân và trục lợi tài chính.

Cụ thể, các đối tượng giả danh cảnh sát khu vực, gọi điện yêu cầu người dân “cập nhật định danh điện tử mức 2” cho người thân. Những cuộc gọi này thường mang tính chất đe dọa, gây áp lực tâm lý khiến nạn nhân dễ dàng làm theo hướng dẫn.

Sau đó, các đối tượng dụ dỗ người dân tải về các ứng dụng giả mạo như "Dịch vụ công", "DICHVUCONG-QUOCGIACC", "VED"… Thực chất, đây là các phần mềm cài mã độc, được thiết kế để đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Khi nạn nhân cung cấp ảnh chân dung, dữ liệu sinh trắc học và thông tin từ căn cước công dân, các đối tượng nhanh chóng sử dụng những dữ liệu này để lập hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính với khoản vay từ 50 đến 100 triệu đồng. 

Đồng thời, chúng mở tài khoản ngân hàng trực tuyến đứng tên nạn nhân, nhận tiền giải ngân rồi chuyển khoản qua nhiều tài khoản khác để xóa dấu vết.

Cẩn trọng “bẫy” lừa đảo trên mạng sau sáp nhập tỉnh, xã - Ảnh 2.

VnelD là ứng dụng duy nhất của Bộ Công an, được sử dụng để quản lý, và định danh, xác thực điện tử.

Phần lớn nạn nhân chỉ phát hiện mình bị lừa khi nhận được thông báo nợ xấu, hoặc bị các công ty tài chính liên hệ để đòi nợ. 

Trước tình trạng trên, lực lượng chức năng cảnh báo người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân cho người lạ, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, đồng thời cần chủ động kiểm chứng mọi yêu cầu liên quan đến giấy tờ tuỳ thân, tài khoản ngân hàng hoặc thông tin định danh cá nhân để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Trước thực trạng nhiều người dân bị “sập bẫy” bởi các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và biến tướng, Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo: “Hiện nay, dữ liệu dân cư đã được cập nhật tự động trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và do cơ quan chức năng quản lý. Người dân không cần tự ý bổ sung hay khai báo thêm bất kỳ thông tin nào, trừ khi nhận được thông báo chính thức từ chính quyền địa phương".

Nhiều người trẻ mất tiền oan vì thủ đoạn giả công an gọi điện lừa đảoGiả cảnh sát gọi điện lừa đảo gặp đúng cảnh sát thật và cái kếtCảnh báo thủ đoạn giả mạo cảnh sát giao thông gọi điện lừa đảo

Thượng tá Đinh Văn Sơn cho biết, tất cả các cuộc gọi từ số lạ với nội dung yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân, gửi đường link hoặc mã QR đều là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. 

Chúng lợi dụng việc sáp nhập đơn vị hành chính để tiếp cận nạn nhân và chiếm đoạt tài sản thông qua tài khoản ngân hàng.

Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như số căn cước công dân, mã định danh, tài khoản ngân hàng, mã OTP hay hình ảnh giấy tờ tùy thân qua điện thoại hoặc mạng xã hội cho bất kỳ ai không rõ danh tính. 

Đồng thời, cần tránh truy cập các đường link lạ hoặc quét mã QR do người lạ gửi.

Trong trường hợp nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ lừa đảo, người dân cần chủ động liên hệ và trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật.