Thông tin trên báo Thanh Niên, hai anh em Nguyễn Trí Hiền, Nguyễn Trí Hậu năm nay mới học lớp 11, nhưng đạt nhiều thành tích hơn bất kỳ học sinh đất Quảng nào trong hơn 20 năm qua.
Đầu năm 2025, các em đạt thành tích đúp: cùng đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia, cùng được giải thưởng Lê Văn Thiêm của Hội Toán học Việt Nam.

Trí Hậu (trái) và Trí Hiền vừa xuất sắc giành huy chương vàng tại kỳ thi Olympic giao lưu toán học Turkmenistan. Ảnh: Lê Trung/Tuổi Trẻ Online.
Mới đây, tại kỳ thi Olympic giao lưu toán học Turkmenistan lần thứ 2 (diễn ra từ ngày 21 – 26/4), cặp anh em song sinh này không chỉ cùng đạt Huy chương Vàng mà còn cùng đạt điểm cao nhất đoàn Việt Nam (gồm 6 em).
Ông Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét hai anh em rất kiệm lời, chân chất, có ý chí vươn lên và tinh thần học hỏi cao.
"Cả hai đều học giỏi và đặc biệt khả năng tự học rất cao. Xuất thân từ vùng nông thôn với điều kiện học tập ban đầu khó khăn, nhưng hai em đã nỗ lực tự học và thể hiện tư chất thông minh và năng lực vượt trội ngay từ những năm học THCS. Ở cấp THPT, các em cũng rất nỗ lực và bộc lộ được năng lực vượt trội. Hai em luôn cho thấy sự đam mê, khát khao chiếm lĩnh tri thức và nắm rất chắc kiến thức", ông Chương nói trên VietNamNet.
Ông Chương cho hay, cặp anh em sinh đôi này không chỉ cùng học giỏi mà còn có nhiều thành tích giống nhau về môn Toán.
Cụ thể, năm lớp 9, cả hai đạt giải Nhất thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Ở lớp 10, cùng thi vượt cấp trong kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh vốn dành cho khối 12, Hiền đạt giải Nhất, Hậu giải Nhì. Cùng năm đó, cả hai được chọn "vượt cấp" để dự thi học sinh giỏi môn Toán cấp quốc gia rồi cùng giành giải Khuyến khích.
Năm lớp 11 này, hai anh em tiếp tục cùng giành giải Nhất ở kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh, rồi giải Nhất quốc gia (trong số 16 giải Nhất quốc gia) trước khi tham dự vòng chọn đội tuyển dự thi Olympic Toán học quốc tế. Ở vòng này, Hậu xếp thứ 7, Hiền xếp thứ 9, và cả hai thiếu một chút may mắn để vào đội tuyển Olympic Toán học quốc tế năm 2025. Song, với kết quả này, hai em được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic Giao lưu Toán học do Turkmenistan tổ chức và xuất sắc giành được 2 tấm Huy chương Vàng.
"Điều tôi rất vui là các em nỗ lực hết mình. Dù thiếu một chút may mắn để góp mặt vào đội tuyển Olympic quốc tế năm nay nhưng việc được tham gia cuộc thi Olympic Giao lưu Toán học cũng là điều kiện để các em được tiếp tục trau dồi, cọ xát, học hỏi nhằm nâng cao trình độ, tạo bước đệm để gặt hái thành công ở những sân chơi quốc tế trong tương lai. Cơ hội vẫn mở ra ở năm lớp 12 và tôi hoàn toàn tin tưởng vào nội lực của hai em", ông Chương nói.
Theo tìm hiểu của báo Thanh Niên, Hiền và Hậu có hoàn cảnh rất đặc biệt. Hồi sinh 2 em, chị Nguyễn Thị Diên đã 37 tuổi, đang dạy ở một trường tiểu học trên huyện miền núi Nam Giang, cách quê nhà hơn 100 km.

Chị Diên (thứ 2 từ phải qua) cùng hai con trai tại nhà riêng, trong một dịp lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam đến thăm. ẢNH: PVL/báo Thanh Niên.
Khi Hiền, Hậu 3 tuổi, chị Diên mới xin chuyển được về dạy ở quê nhà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).
Thầy Phan Văn Lĩnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm kể: "Tôi đến nhà 2 em 4 lần, trong đó 2 lần đi cùng với Giám đốc Sở GD-ĐT, 1 lần đi cùng chủ tịch tỉnh. Ba mẹ con ở trong một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, được dựng ngay trong vườn của chị gái. Người dì này cũng thay chị Diên chăm sóc Hiền và Hậu hồi nhỏ, khi chị Diên còn dạy trên miền núi. Cuộc sống của 3 mẹ con chỉ trông chờ vào đồng lương của chị Diên".
Chia sẻ với báo Thanh Niên, chị Diên cho biết, chị là người duy nhất "có nghề" trong số 4 anh chị em ruột. Vì thế, khi có hai "báu vật" là Hiền và Hậu, ước mong lớn nhất của chị là 2 con lớn lên khỏe mạnh, học hành chỉ cần ở mức "có nghề".
"Hồi nhỏ 2 bạn nói con ước khi lớn lên làm nghề giáo viên. Lúc đó chắc chỉ nghĩ làm giáo viên cấp 2 gần nhà, chớ con trai mà làm giáo viên tiểu học thì hơi cực", chị Diên kể.
Hiền và Hậu vốn tính trầm, nên chị không nghĩ các con có gì nổi bật. Năm Hiền - Hậu học lớp 8, được giải nhất môn Toán huyện, thì 3 mẹ con bắt đầu nhen nhóm hy vọng các em sẽ đỗ trường chuyên.
"Các con tự học hết. Mẹ có 1 chiếc máy tính xách tay để nhà cho hai ảnh lên mạng tải bài về giải. Các con tự đi mua sách tiếng Anh, rồi lên YouTube học. Mần chi có đi học thêm! Rứa mà môn mô cũng giỏi hết. Nhưng rồi các con chọn học chuyên toán", chị Diên cho biết.
Dù thành tích của các con ngày càng ấn tượng nhưng chị Diên xác định "được đến đâu mừng đến đó", không quá kỳ vọng khiến các con bị áp lực.
"Tui hỏi học có khó không con, hai bạn nói, mấy anh 12 cũng thấy khó, biểu chi tụi con! Nghe rứa tui thấy tội, mới động viên là cố gắng được đến mô thì cố. Nhưng các thầy tin tưởng lắm, với lại các con cũng ham học, nên tui cũng mừng, cũng mong các con phát huy được tối đa khả năng", chị Diên tâm sự.
Minh Hoa (t/h)