Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải xử lý triệt để giết mổ không phép

23/07/2025 16:03

Thứ trưởng Bộ NN&MT nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi phải được thực hiện sát sao, chặt chẽ và nghiêm túc, không thể để tình trạng diễn biến xấu hơn, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 23/7, Hội nghị phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và quản lý kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đã được tổ chức.

Vắc-xin là “lá chắn thép” nhưng tại sao không tiêm?

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chính phủ đã giao cho Bộ hai chỉ tiêu rất quan trọng: tăng trưởng ngành đạt 4% và kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 64–65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD. 

Mặc dù 6 tháng đầu năm, tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, từ việc sáp nhập bộ, ngành, địa phương cho đến việc một số quốc gia áp thuế đối ứng 20%, nhưng toàn ngành vẫn duy trì được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, với tăng trưởng quý II đạt 3,84%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải xử lý triệt để giết mổ không phép - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn. Sau dịch tả lợn châu Phi, quy mô chăn nuôi trang trại có xu hướng tăng lên, song các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới khoảng 50%, dù đã giảm so với tỉ lệ 70% trước đây.

Đáng lo ngại, thời tiết cực đoan thời gian qua đã làm dịch bệnh lây lan mạnh. Tình trạng xác lợn trôi nổi trên kênh mương, xâm nhập vào nhà máy nước sạch đã xảy ra ở nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Thứ trưởng cho rằng thực tế này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp: Bộ, Cục, Chi cục vùng và địa phương.

Ông thẳng thắn đặt vấn đề: “Cần làm rõ trách nhiệm từng cấp. Vì sao vắc-xin tốt mà người dân không tiêm? Vắc-xin giờ là "lá chắn thép" cho ngành chăn nuôi trước nguy cơ dịch bệnh mà người dân vẫn chưa mặn mà trong việc tiêm phòng?”.

Theo Thứ trưởng, vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi là niềm tự hào của Việt Nam khi cả thế giới chưa làm được thì ta đã làm được. Thế nhưng, trong khi giá thịt lợn hơi ở mức hơn 40.000 đồng/kg, bán ra tới 62.000 - 63.000 đồng/kg, thì việc người chăn nuôi vẫn không chủ động tiêm phòng là điều cần được phân tích, lý giải và xử lý căn cơ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu không kiểm soát và xử lý triệt để dịch tả lợn châu Phi, rất khó để đạt các mục tiêu tăng trưởng 4%, xuất khẩu 70 tỷ USD, hay tăng trưởng chăn nuôi ở mức 5,75%. “Không chỉ do khó khăn quốc tế, mà nguyên nhân còn nằm ở nội tại nếu không thay đổi, chúng ta sẽ không thể về đích như kỳ vọng”, ông nói.

Hơn 600 ổ dịch xuất hiện từ đầu năm đến nay

Báo cáo tại sự kiện, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, từ đầu năm đến ngày 22/7/2025, cả nước đã ghi nhận 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, thành phố, làm hơn 42.000 con lợn mắc bệnh và hơn 43.000 con bị chết hoặc tiêu hủy. Hiện còn 256 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 26 địa phương.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải xử lý triệt để giết mổ không phép - Ảnh 2.

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y.

Diễn biến dịch bệnh đang phức tạp, nhất là trong tháng 6 và 7 khi các ổ dịch mới gia tăng tại khu vực phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội và một số tỉnh duyên hải miền Trung. 

“Dịch đang có xu hướng quay trở lại, chủ yếu tái phát tại ổ dịch cũ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi điều kiện an toàn sinh học không được đảm bảo”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông, các ổ dịch chủ yếu xuất hiện ở hộ nuôi quy mô nhỏ (50-60 con), không áp dụng biện pháp phòng bệnh. Mặc dù đã có vắc-xin DTLCP, nhiều người chăn nuôi vẫn chủ quan, không tiêm phòng, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, các trang trại lớn chủ động áp dụng an toàn sinh học đều không phát hiện dịch.

Đáng lo ngại, nhiều trường hợp giấu dịch, bán chạy lợn bệnh hoặc vứt xác ra môi trường. Tình trạng này kết hợp với thời tiết mưa bão tại miền Bắc làm tăng nguy cơ phát tán virus theo dòng nước, gây ô nhiễm diện rộng.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Thủ tướng ra công điện khẩn

Cùng với đó, hoạt động giết mổ còn chưa kiểm soát chặt. Một số cơ sở thu gom, giết mổ lợn nghi mắc bệnh, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Việc phân cấp công bố dịch về cấp xã còn mới khiến nhiều nơi lúng túng trong xử lý. Lực lượng thú y cơ sở thiếu người, chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra, giám sát.

“Cần tăng cường xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch để ngăn nguy cơ lan rộng”, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh.

Từ năm 2023 đến nay, cả nước đã tiêm vắc-xin DTLCP cho hơn 1 triệu con lợn tại 45 tỉnh, thành. Tỉ lệ tử vong sau tiêm rất thấp, chỉ 0,1%, chủ yếu do lợn đã nhiễm virus từ trước hoặc có sức đề kháng yếu. Điều này cho thấy vắc-xin bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần kiểm soát dịch, thúc đẩy tái đàn và ổn định nguồn cung thịt.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải xử lý triệt để giết mổ không phép - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&MT nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi phải được thực hiện sát sao, chặt chẽ và nghiêm túc, không thể để tình trạng diễn biến xấu hơn, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Công điện 109, đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh, tiêm phòng vắc-xin và bố trí kinh phí phù hợp. Đồng thời, cần kiện toàn hệ thống thú y cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát và cập nhật dữ liệu dịch bệnh trên hệ thống VAHIS.

Về công tác giết mổ, Cục kiến nghị quy hoạch cơ sở tập trung, đầu tư giết mổ công nghiệp, xử lý nghiêm vi phạm và áp dụng công nghệ quản lý dữ liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.

Tại sự kiện, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: “Các phương tiện có thể dễ dàng chọn tuyến đường vòng để né tránh các chốt kiểm dịch, nhất là với các lô hàng không có giấy chứng nhận hoặc không rõ nguồn gốc”. 

Theo ông, Hà Nội là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn, hệ thống giao thông phát triển khiến công tác kiểm soát vận chuyển động vật gặp khó khăn. Việc Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng tạo kẽ hở trong kiểm soát nguồn gốc và phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, sơ chế thủ công và qua mạng xã hội ngày càng phổ biến, trong khi tình trạng giết mổ không phép vẫn tồn tại song song với các cơ sở giết mổ tập trung khiến công suất hoạt động chỉ đạt 40%. Việc thu hút đầu tư vào các cơ sở giết mổ hiện đại cũng gặp vướng mắc về đất đai và thủ tục.

Tại sự kiện, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh tại các chợ và cơ sở không phép vẫn phổ biến. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư bài bản lại hoạt động dưới công suất, làm giảm hiệu quả trong việc kiểm soát giết mổ động vật.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải xử lý triệt để giết mổ không phép - Ảnh 4.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu không kiểm soát và xử lý triệt để dịch tả lợn châu Phi, rất khó để đạt các mục tiêu tăng trưởng 4%, xuất khẩu 70 tỷ USD, hay tăng trưởng chăn nuôi ở mức 5,75%.

Trước thực tại trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phải rà soát, không thể để tình trạng xảy ra xấu hơn. Phải có chế tài đối với giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép, phải truy đến cùng để xử lý triệt để. 

"Thiệt hại do dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội, tôi đề nghị phải sát sao, chặt chẽ và nghiêm túc đối với việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần Công điện 119 của Thủ tướng Chính phủ đã ký", ông Tiến nói.