Kiến tạo giá trị nông sản Tây Bắc: Từ sản xuất thông minh đến “quốc bảo” dưới tán rừng

01/07/2025 20:53

Để nâng tầm giá trị và thu hút đầu tư, các địa phương Tây Bắc cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, xây dựng thương hiệu vùng và phát triển nông sản theo hướng bền vững.

Chiều 1/7, diễn đàn "Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc" đã được tổ chức như một bước đi thiết thực nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, từ trồng trọt, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu vùng miền.

Định hình chuỗi giá trị nông sản Tây Bắc

Tại diễn đàn, ông Lê Quốc Doanh - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam ghi nhận nỗ lực của các tỉnh Tây Bắc trong việc chuyển đổi sản xuất, phát triển các loại cây trồng có giá trị như cà phê, chè, cây ăn quả đặc sản. Trong vòng 10 năm qua, diện tích cà phê toàn vùng tăng 54%, sản lượng tăng vọt tới 265%.

Kiến tạo giá trị nông sản Tây Bắc: Từ sản xuất thông minh đến “quốc bảo” dưới tán rừng- Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Doanh - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (Ảnh: Tùng Đinh).

Tuy vậy, ông Doanh cũng chỉ ra một số tồn tại, như tỉ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm còn thấp, quy trình sản xuất của các tổ hợp cây trồng mới như cây dược liệu, cây ăn quả vẫn còn thiếu đồng bộ và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ khoa học và quản lý.

"Muốn phát triển bền vững, phải có liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và địa phương để tháo gỡ rào cản", ông Doanh nhấn mạnh. Đồng thời, vị này khuyến nghị đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, phát triển nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tăng cường khuyến nông và đào tạo nông dân.

Tây Bắc, nơi cư trú của hơn 3.500 loài cây thuốc, chiếm khoảng 70% nguồn dược liệu cả nước, được các nhà khoa học ví như "thủ phủ dược liệu" của Việt Nam. Sự gắn bó hữu cơ giữa cây thuốc và rừng khiến dược liệu dưới tán rừng trở thành mô hình kinh tế - sinh thái độc đáo, có thể song hành giữa bảo tồn và phát triển.

Kiến tạo giá trị nông sản Tây Bắc: Từ sản xuất thông minh đến “quốc bảo” dưới tán rừng- Ảnh 2.

Tây Bắc, nơi cư trú của hơn 3.500 loài cây thuốc, chiếm khoảng 70% nguồn dược liệu cả nước.

Theo ông Phạm Quang Tuyến - Viện Nghiên cứu Lâm sinh, phát triển dược liệu dưới tán rừng hiện gặp nhiều rào cản do thiếu hành lang pháp lý riêng. Hiện các quy định mới chỉ lồng ghép nội dung dược liệu vào lâm nghiệp hoặc y học cổ truyền, khiến nhiều địa phương khó hình thành vùng nguyên liệu lớn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật và khó thu hút đầu tư do thiếu cơ chế tín dụng, bảo hiểm rủi ro.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước tăng mạnh, với mức tiêu thụ nội địa khoảng 80.000 tấn/năm, nhưng mới đáp ứng được 20–30%. Từ đó, ông Tuyến đề xuất cần sớm ban hành chính sách riêng cho dược liệu dưới tán rừng, ưu tiên các loài đặc hữu như Sâm Lai Châu, Tam thất hoang, đồng thời gắn quy hoạch vùng nguyên liệu với ba loại rừng.

Nếu được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, có cơ chế thương mại hóa rõ ràng, dược liệu dưới tán rừng không chỉ giúp người dân làm giàu, giữ rừng mà còn có thể trở thành "quốc bảo", đưa Việt Nam lên bản đồ dược liệu toàn cầu.

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của Tây Bắc

Chia sẻ từ thực tiễn phát triển tại Sơn La, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương đang từng bước hiện thực hóa chiến lược nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững.

Kiến tạo giá trị nông sản Tây Bắc: Từ sản xuất thông minh đến “quốc bảo” dưới tán rừng- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La (Ảnh: Tùng Đinh).

Trên nền tảng điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự đồng hành của Trung ương, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, Sơn La đang đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường, tưới thông minh… để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.

"Sơn La đang xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, nơi cây trồng không chỉ là sinh kế, mà còn là hàng hóa chất lượng cao có vị thế trên thị trường", ông Công khẳng định.

Theo bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, tỉnh vẫn đối diện nhiều thách thức như địa hình dốc, chi phí sản xuất cao, biến đổi khí hậu và tỉ lệ chế biến sâu còn thấp.

Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ ổn định diện tích 90.000 ha cây ăn quả và 25.000 ha cà phê, nâng tỉ lệ áp dụng VietGAP, công nghệ tưới tiết kiệm nước, truy xuất nguồn gốc và chế biến sâu, từng bước trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đưa nông sản vùng miền đến gần hơn với người tiêu dùng

Tại Điện Biên, với đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh đã phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2024, địa phương đã hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, theo ông Lò Hồng Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên, diện tích canh tác theo kinh nghiệm vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ông Phong cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực, Điện Biên đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, logistics yếu, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng thị trường.

Trước thực trạng đó, Điện Biên chủ trương mở rộng vùng nguyên liệu kết nối với Sơn La, phục vụ các doanh nghiệp lớn. Riêng với cây cà phê, Điện Biên tập trung mở rộng diện tích tại những vùng có khí hậu phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, văn hóa, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là tiêu chuẩn EUDR.

Kiến tạo giá trị nông sản Tây Bắc: Từ sản xuất thông minh đến “quốc bảo” dưới tán rừng- Ảnh 4.

Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH (Ảnh: Tùng Đinh).

Tại diễn đàn, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết, doanh nghiệp đã nghiên cứu sâu về tiềm năng của vùng, bao gồm các nguồn tài nguyên như cây ăn quả, cây dược liệu, và nguyên liệu để sản xuất giấy.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đầu tư vào vùng nguyên liệu, trong đó có việc huấn luyện nông dân và hợp tác xã.

Từ kết quả khảo sát thực tế, TH đã triển khai hai dự án lớn tại Sơn La và Điện Biên. Dự án thứ nhất là xây dựng nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu tại Sơn La, tập trung sản xuất nước ép, nước cô đặc từ xoài, nhãn, mận… Dự án thứ hai là phát triển vùng trồng mắc can loại cây dược liệu có giá trị với phần lớn diện tích đặt tại Điện Biên.

Ông Hải nhận định: "Thách thức lớn nhất hiện nay là kiểm soát chất lượng nguyên liệu. Doanh nghiệp đã xây dựng bộ tiêu chuẩn đầu vào và tìm kiếm các nhà cung cấp đủ năng lực để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chuẩn về độ đường, hình thức và các chỉ tiêu kỹ thuật khác". Việc đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu là nền tảng giúp TH phát triển bền vững và nâng cao giá trị nông sản địa phương.