Tổn thương da nghiêm trọng
N.K.Đ. 25 tuổi, sống tại Hà Nội, vốn có làn da dầu, thường xuyên nổi mụn ở vùng trán và cằm. Trong một lần lướt mạng xã hội, cô bắt gặp một bài viết chia sẻ kinh nghiệm "trị mụn không tốn kém" bằng cách chấm nước cốt chanh tươi trực tiếp lên mụn mỗi tối.
Nghĩ rằng chanh là nguyên liệu tự nhiên, lại được nhiều người trong nhóm ủng hộ, Đ. đã thử làm theo. Mỗi ngày, cô vắt một ít chanh rồi dùng tăm bông chấm vào các nốt mụn. Ban đầu, cô cảm thấy hơi rát nhẹ nhưng tin rằng đó là dấu hiệu "đang có tác dụng
Tuy nhiên, sau 5 ngày, da mặt bắt đầu xuất hiện mảng đỏ, rát nóng và có cảm giác bỏng nhẹ, đặc biệt ở hai bên má và cằm. Sau 1 tuần, các vết đỏ lan rộng, da bắt đầu bong tróc, sưng tấy và đau nhức, khiến cô lo lắng và quyết định đến phòng khám da liễu.

Chấm nước cốt chanh tươi trực tiếp lên mụn mỗi tối, cô gái tổn thương da nghiêm trọng (Ảnh: BSCC).
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, Ths.BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên Hội Da liễu Việt Nam xác định đây là trường hợp viêm da kích ứng do tiếp xúc với axit citric có trong nước chanh.
"Chanh có tính axit mạnh. Khi bôi trực tiếp lên da, đặc biệt là da đang có tổn thương như mụn viêm, có thể gây bỏng nhẹ, kích ứng, làm phá vỡ hàng rào bảo vệ da. Tình trạng sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mà không dùng kem chống nắng", BS.Thành phân tích.
Ngoài ra, việc lặp lại liên tục mỗi ngày khiến vùng da bị tổn thương không có thời gian hồi phục, từ đó gây viêm loét, đau rát kéo dài và nguy cơ tăng sắc tố sau viêm (PIH).
Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc bôi kháng viêm nhẹ, kem phục hồi da, tránh tiếp xúc với ánh nắng và ngừng hoàn toàn mọi loại mỹ phẩm. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng da của Đ. đã bắt đầu cải thiện.
Vì sao chanh không nên dùng để bôi mặt?
Theo BS.Tiến Thành, có một số lý do khiến nước cốt chanh tưởng "lành tính" nhưng thực chất lại rất nguy hiểm khi bôi trực tiếp lên da:
Chứa axit citric đậm đặc: Gây kích ứng, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, làm mất cân bằng pH.
Dễ gây bỏng nắng: Chanh làm da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời, có thể gây viêm da do ánh sáng (photodermatitis).
Không phù hợp với da mụn hoặc da nhạy cảm: Các vùng da đang tổn thương sẽ càng nặng hơn khi tiếp xúc với axit.
Không có kiểm soát liều lượng: Dùng mẹo tự nhiên không thể xác định nồng độ an toàn như các sản phẩm đã qua kiểm nghiệm y khoa.

Có một số lý do khiến nước cốt chanh tưởng "lành tính" nhưng thực chất lại rất nguy hiểm khi bôi trực tiếp lên da.
BS. Thành nhấn mạnh: "Mọi tình trạng da liễu, đặc biệt là da mụn viêm, nên được điều trị đúng cách bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các mẹo dân gian chỉ nên áp dụng nếu được kiểm chứng rõ ràng, có nguồn gốc đáng tin cậy".
Nếu thấy các dấu hiệu sau khi tự trị mụn tại nhà, cần đến khám ngay: Da đỏ rát kéo dài, bong tróc, sưng phù; mụn viêm trở nên nặng hơn, lan rộng; có cảm giác đau rát như bỏng, châm chích nhiều giờ; vùng da xuất hiện các vết sậm màu, có nguy cơ để lại thâm hoặc sẹo.
Hiện nay, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội chia sẻ vô số mẹo làm đẹp, nhưng không phải nội dung nào cũng được kiểm chứng bởi chuyên gia.
"Không phải cứ tự nhiên là an toàn. Việc bôi thứ gì đó lên mặt đặc biệt là mặt đang bị tổn thương cần có kiến thức chuyên môn", BS.Thành nói thêm.