
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Dự án Luật nhận được sự quan tâm lớn khi hướng tới nhiều đổi mới căn bản về thẩm quyền, quy trình xử phạt và ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm.
Tờ trình nêu rõ, việc sửa đổi Luật XLVPHC là đòi hỏi cấp thiết nhằm phù hợp với chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy và thúc đẩy chuyển đổi số.
Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ với các đạo luật quan trọng khác cũng có hiệu lực từ 1/7/2025 như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự...
Bên cạnh cơ sở pháp lý, thực tiễn thi hành Luật hiện hành cũng bộc lộ hàng loạt bất cập: Thẩm quyền xử phạt của một số chức danh chưa tương xứng với thực tế; trình tự xử phạt còn rườm rà; chưa tận dụng được công nghệ; mức xử phạt không lập biên bản còn lạc hậu, gây khó khăn trong quản lý.
Dự thảo Luật lần này đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung tại 63/143 điều, bãi bỏ 16 điều và bổ sung 2 điều hoàn toàn mới, trong đó tập trung vào ba nhóm nội dung trọng tâm.
1. Phù hợp mô hình tổ chức bộ máy mớiSửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt khi chức danh có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, đảm bảo tính liên tục trong quản lý.
Quy định thẩm quyền cưỡng chế chung cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt, thay vì liệt kê cụ thể các chức danh.
Bãi bỏ 16 điều quy định thẩm quyền của từng chức danh (như Điều 38-51), thay bằng một điều mới (37a), giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm linh hoạt và phù hợp với bộ máy đang được tinh gọn.
2. Thúc đẩy chuyển đổi số trong xử phạtLàm rõ hình thức lập, ký biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử; bổ sung quy định gửi quyết định xử phạt qua phương thức điện tử.
Bổ sung Điều 18a về nguyên tắc xử lý vi phạm trên môi trường điện tử, tạo cơ sở pháp lý cho việc số hóa toàn bộ quy trình xử lý.
3. Khắc phục vướng mắc phổ biến trong thực tiễnĐiều chỉnh thời hiệu xử phạt các vụ việc chuyển từ cơ quan tố tụng hình sự, rút ngắn còn 6 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ và tối đa không quá 3 năm.
Bổ sung mức phạt tối đa với các lĩnh vực mới như bảo vệ dữ liệu cá nhân, công nghiệp số, quản lý biển đảo...
Quy định linh hoạt hơn về thời gian chuyển biên bản vi phạm để không cứng nhắc trong xử lý.
Cho phép bán ngay tang vật vi phạm trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu, hạn chế tình trạng tồn đọng, lãng phí tài sản.
Không lập biên bản, đẩy mạnh phân quyền và cải cách hành chính
Ngoài ra, dự thảo Luật còn sửa đổi một số nội dung để đơn giản hóa thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, đẩy mạnh phân quyền và cải cách hành chính.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Dự án Luật lần này không chỉ nhằm khắc phục các vướng mắc hiện hành mà còn hướng đến mục tiêu lâu dài là tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính khả thi, ổn định, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC là bước đi cần thiết, mang tính chiến lược, góp phần hoàn thiện nền tảng pháp lý cho công tác xử lý vi phạm hành chính trong kỷ nguyên số, bảo đảm quyền lợi công dân và sự nghiêm minh của pháp luật.
Hải Liên