Lại Đà nằm bên bờ sông Đuống, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 8 km. Đây là một trong những ngôi làng còn lưu giữ nhiều nét cổ kính và quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình.
Ở Lại Đà, dòng họ Nguyễn Phú là dòng họ lớn nhất, cũng là dòng họ đã sinh ra người con kiệt xuất của quê hương - cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh - quê hương cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Như bao bạn bè cùng trang lứa, sinh ra trong thời buổi chiến tranh, loạn lạc, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Phú Trọng trải qua nhiều khó khăn, vất vả.
Hồi ức về những năm tháng tuổi thơ, Tổng Bí thư từng viết: Tôi sinh ra ở một làng quê gần sông Hồng đỏ đục phù sa thuộc ngoại thành Hà Nội. Làng tôi nghèo lắm, cũng giống như cái nghèo của biết bao làng quê khác trên đất nước ta trước Cách mạng tháng Tám. Ông bà, bố mẹ tôi đều là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, không có điều kiện học hành đến đầu đến đũa, nhưng các cụ thuộc rất nhiều ca dao, dân ca... Tôi lớn lên trong tiếng ru của mẹ và trong những lời răn dạy từ tục ngữ, ca dao của bố.
Cái đói, cái nghèo của làng quê nông thôn, cuộc sống chân lấm, tay bùn của những người thân xung quanh đã sớm hình thành ở cậu học trò Nguyễn Phú Trọng khát vọng vươn lên mạnh liệt và niềm tin với lý tưởng cộng sản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm quê hương thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Ảnh: Phạm Dũng).
Làng quê nghèo nhưng giàu truyền thống lịch sử - văn hóa ấy cũng đã trở thành môi trường, không gian văn hóa, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách tốt đẹp ở cậu học trò Nguyễn Phú Trọng - một người nặng tình với quê hương, đất nước, với truyền thống văn hóa, văn hiến ngàn đời của cha ông.
Từ cái nôi của quê hương, cậu học trò Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng rèn luyện, từng bước trưởng thành, được tin cậy giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước. Dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn đau đáu một tấm lòng son với đất nước, với Nhân dân, trong đó có một góc riêng đầy ấm áp dành cho quê hương Đông Anh - nơi ông đã sinh ra, lớn lên và gửi gắm những nghĩa tình sâu nặng.
Sinh thời, dù công việc bộn bề, quỹ thời gian hạn hẹp, nhưng khi có điều kiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn cố gắng về thăm quê và tham gia hoạt động của làng. Những lần ấy, với người dân Lại Đà, không chỉ là dịp được gặp lại một người thân xa quê trở về, mà còn là những kỷ niệm đáng trân trọng về sự gần gũi, chân tình và mộc mạc đến lạ thường của người đứng đầu Đảng.
Về thăm quê, ông không bao giờ "trống giong, cờ mở" mà luôn chọn cách xuất hiện bình thường nhất. Tổng Bí thư thường yêu cầu đỗ xe ở bãi đất trống đầu làng và tự mình đi bộ vào, ông cũng đề nghị các đồng chí cảnh vệ giãn ra để vừa đi vừa thoải mái chuyện trò, gặp gỡ, thăm hỏi dân làng, bà con hàng xóm. "Về đây, tôi chỉ là con em trong làng" ông thân tình nói như để xua tan đi mọi khoảng cách giữa mình với quê hương.
Dù là một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhưng trong câu câu chuyện với quê hương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn điềm đạm, mẫu mực mà gần gũi, thân tình.
Về thăm quê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng khi thấy sự đổi thay nhanh chóng của quê hương được hiện hữu trong từng ngôi nhà, từng con ngõ, từng thôn làng đi qua, và ông cũng đau đáu về những điều điều còn dở dang, nhất là những người kém may mắn. Trong mỗi cuộc nói chuyện, ông vẫn thường căn dặn cán bộ đảng viên, anh em họ tộc, bà con làng xóm phải đoàn kết, có ý chí vươn lên để cùng nhau xây dựng quê hương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng thanh niên quê hương.
Không chỉ các cụ cao niên, mà các thế hệ sau, lứa tuổi trẻ của làng cũng ấn tượng sâu sắc với phong thái giản dị, chân tình mà toả sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong họ, hình ảnh Tổng Bí thư như một người ông đáng kính và hiền từ.
Khi về với thầy cô và các bạn đồng môn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khiêm nhường, hòa đồng: “Xin cho em được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò cũ của các thầy, các cô ngày nào”. Tổng Bí thư vẫn đi dự họp lớp cấp 2, vẫn chan hòa, nhỏ nhẹ, khiêm nhường như ngày nào.
Dịp Tết cổ truyền năm 2014, dân làng Lại Đà tổ chức lễ chúc thọ cho các cụ cao niên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự và nhận cờ mừng thọ 70 tuổi. Sau khi chúc sức khoẻ các cụ cao niên trong làng sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, Tổng Bí thư đã hứa với quê hương: “... sẽ giữ gìn để xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo, của dân làng. Tôi luôn mang ơn nghĩa nặng tình sâu của quê hương. Đi đâu tôi cũng nghĩ mình là dân Đông Anh, dân Đông Hội, dân Lại Đà”.
Ông là vậy, vẫn luôn là một người nặng tình, nặng nghĩa với quê hương, nguồn cội. Và cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông đã giữ trọn vẹn lời hứa với quê hương, đất nước:
“Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của Nhân dân!”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại nhà thờ họ.
13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, mội trái tim lớn đã ngừng đập, quê hương Đông Anh cùng với cả nước ngậm ngùi chia tay một người con ưu tú. Dẫu vậy, những di sản mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại vẫn đang tiếp tục tỏa sáng, có giá trị to lớn, cổ vũ, động viên và tiếp thêm động lực tinh thần, củng cố niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Người ta sẽ còn nhớ mãi đến ông, quê hương không bao giờ quên ông, không phải vì những chức vụ hàm cấp mà chính bởi những giá trị tốt đẹp và cao thượng ông đã suốt đời theo đuổi, như Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Thác là thể phách, còn là tinh anh".