Có nên cấm sử dụng điện thoại trong trường học?

Đề xuất cấm sử dụng điện thoại trong trường học của Tp.HCM những ngày qua nhận được sự ủng hộ từ nhiều giáo viên, phụ huynh và chuyên gia giáo dục. Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trương Văn Vỹ cho rằng, chủ trương này là khả thi song nhấn mạnh việc triển khai phải linh hoạt, hợp lý.

Cần định hướng cho học sinh cách dùng điện thoại phù hợp trong môi trường giáo dục

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, PGS.TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia giáo dục, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM nhận định, đề xuất hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong các hoạt động giáo dục là hoàn toàn khả thi, song cần cân nhắc kỹ lưỡng về biện pháp và cách thức triển khai để đạt hiệu quả thực chất.

Ông cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, điện thoại di động đã trở thành một phương tiện cá nhân không thể thiếu, phục vụ nhiều mục đích hữu ích trong cuộc sống như liên lạc, đọc tài liệu, chụp ảnh, quay video, ghi nhận các sự kiện xã hội…

Đối với học sinh, sinh viên, đây còn là công cụ hỗ trợ học tập như tra cứu thông tin, học ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ mới như AI.

“Vì thế, cần nhìn nhận khách quan rằng điện thoại không phải chỉ mang lại tiêu cực, mà còn có giá trị tích cực nếu được sử dụng đúng cách. Vấn đề không nằm ở việc cấm triệt để, mà là hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách dùng phù hợp trong môi trường giáo dục", PGS.TS Trương Văn Vỹ nhấn mạnh.

Có nên cấm sử dụng điện thoại trong trường học?- Ảnh 1.

PGS.TS Trương Văn Vỹ cho rằng, cần nghiên cứu phương thức thực hiện hợp lý.

PGS.TS Trương Văn Vỹ cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất hạn chế sử dụng điện thoại không chỉ ở học sinh mà cả với sinh viên.

Bởi theo quan sát thực tế, hiện nay vẫn còn tình trạng sinh viên dùng điện thoại làm việc riêng trong giờ học, khiến việc tiếp thu bài giảng kém hiệu quả và ảnh hưởng đến không khí lớp học.

Cần triển khai hiệu quả, hợp lý

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Văn Vỹ, việc cấm hoàn toàn trong giờ ra chơi là không dễ, vì đó là khoảng thời gian riêng tư của học sinh, đồng thời cũng đặt ra vấn đề làm sao để kiểm soát việc mang điện thoại đến trường.

“Tôi nghĩ, thay vì cấm tuyệt đối, nên áp dụng hình thức hạn chế, kèm theo quy định rõ ràng. Quan trọng là cách triển khai thế nào cho hợp lý, hiệu quả", ông nói.

Liên quan đến vấn đề trên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) cho biết, hiện nay, học sinh dùng điện thoại thông minh nhiều. Mặt tích cực là các em có thể giữ liên lạc với gai đình, bạn bè, tra cứu thông tin, tư liệu học tập dễ dàng. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều hậu quả không tốt cho các em như sao nhãng học tập, mất tập trung trong giờ học… đòi hỏi phải có đề xuất cấm thiết thực.

Thầy Phú nhấn mạnh, việc cấm sử dụng điện thoại trong trường học cần đi kèm với giải pháp quản lý, giám sát cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh. Theo thầy, đây không chỉ là vấn đề kỷ luật mà còn là định hướng lối sống lành mạnh, tập trung cho học sinh trong môi trường giáo dục.

Học sinh dùng điện thoại là quyền của các em, nhưng khi đến trường học sinh hoạt trong môi trường giáo dục các em phải tuân thủ theo quy tắc của trường học, luật giáo dục đặt ra. 

Tôi nghĩ nên cấm để các em phát triển toàn diện, hiệu quả hơn về thể chất và tinh thần.

Ông cũng lưu ý, với nhiều học sinh, điện thoại là phương tiện để phụ huynh liên lạc, đặt xe đưa đón con, nên nếu áp dụng cứng nhắc có thể khiến phụ huynh và nhà trường gặp khó.

Do đó, đề xuất của Sở GD&ĐT Tp.HCM là đúng đắn, song cần đi kèm với sự đồng thuận và phối hợp từ phụ huynh, cũng như một lộ trình, giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả.

“Đề xuất này nếu thực hiện tốt sẽ góp phần giảm sao nhãng học tập, hạn chế bạo lực học đường và những hành vi lệch chuẩn. Song muốn thành công, cần sự phối hợp chặt giữa nhà trường và phụ huynh để rèn luyện học sinh tính tự giác, kỷ luật, nghiêm túc tuân thủ nội quy.

Tại Trung Quốc, từng có chủ trương tương tự nhưng việc cấm triệt để là không dễ, vì điện thoại là tài sản cá nhân. Quan trọng là phải giáo dục ý thức sử dụng đúng mục đích", PGS.TS Trương Văn Vỹ nhấn mạnh.

Có nên cấm sử dụng điện thoại trong trường học?- Ảnh 2.

Cấm điện thoại giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Cách thức thực hiện là có thể học sinh tự giác nộp điện thoại cho giáo viên, cất vào tủ cá nhân, hoặc được dùng khi giáo viên cho phép trong một số hoạt động giáo dục…

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên một trường tiểu học tại Tp.HCM cho biết, việc Sở GD&ĐT cấm học sinh dùng điện thoại trong hoạt động giáo dục là một cách để giúp học sinh học tập hiệu quả hơn trên trường. 

"Thời gian qua, tôi chứng kiến nhiều nhóm học sinh mâu thuẫn nhau từ việc lập nhóm chat riêng trên điện thoại, trong giờ học vẫn có tình trạng học sinh dùng điện thoại, do đó, ngoài việc nhà trường cấm, phụ huynh phải có sự đồng hành, sâu sát với con nhằm hạn chế tối đa việc dùng điện thoại trên trường", cô Hà chia sẻ.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, đã đề xuất các phòng ban chuyên môn nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường (trừ trường hợp được giáo viên bộ môn cho phép để thực hiện nhiệm vụ phục vụ trong giờ học).

Mục đích cấm này theo Sở GD&ĐT Tp.HCM là nhằm giảm sự sao nhãng, tăng cường tập trung học tập, tăng tương tác xã hội, bảo vệ sức khỏe tinh thần cho các em. Đồng thời, giúp học sinh tránh gian lận trong lúc làm bài kiểm tra, tạo môi trường học tập lành mạnh.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Trường học cấm học sinh đi giày không quá 1,7 triệu đồng gây tranh cãiCó nên cấm sử dụng điện thoại trong trường học?- Ảnh 4.

Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/co-nen-cam-su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-a145323.html