UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo đề xuất, kiến nghị với Bộ Xây dựng về đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình.
Qua khảo sát và nghiên cứu sơ bộ, tỉnh Ninh Bình dự kiến đề xuất phương án xây dựng sân bay quốc tế Ninh Bình tại phường Liêm Tuyền, với khoảng cách tương đối thuận lợi tới các đầu mối giao thông trọng yếu trong khu vực.
Theo đó, sân bay quốc tế Ninh Bình sẽ cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 80 km, cách sân bay Cát Bi khoảng 85 km, cách sân bay Gia Bình khoảng 63 km và cách sân bay Thọ Xuân khoảng 85 km.
Vị trí đề xuất xây sân bay quốc tế Ninh Bình cách các ga tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam như ga Phủ Lý khoảng 5 km, ga Ninh Bình khoảng 43 km, ga Nam Định khoảng 17 km.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất xây dựng sân bay quốc tế Ninh Bình theo tiêu chuẩn cấp 4E, với 2 đường cất hạ cánh song song phụ thuộc, tổng diện tích quy hoạch xây dựng khoảng 720 ha.
Công suất thiết kế ban đầu của sân bay quốc tế Ninh Bình sẽ đạt khoảng 10 triệu hành khách/năm, có dự trữ quỹ đất để mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.
Đến nay, sân bay Ninh Bình vẫn chưa được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Mới đây, doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường vừa có văn bản đề xuất một chuỗi dự án hạ tầng chiến lược nhằm kiến tạo diện mạo mới cho tỉnh Ninh Bình mới (sau khi sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam).
Trước đó, doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường do doanh nhân Nguyễn Văn Trường đứng đầu đề xuất cho phép được đầu tư, kêu gọi xây dựng sân bay quốc tế dự kiến đặt tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định cũ), hoặc một địa điểm do Bộ Xây dựng chọn lựa.
Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp cùng với tỉnh Ninh Bình mới xây dựng 2 trục đường chính quy mô 8 làn xe, từ Di sản Tràng An - Bái Đính (trung tâm Ninh Bình) kết nối với 2 thành phố Nam Định và Phủ Lý.
Đồng thời xây dựng 9 cây cầu bắc qua sông Đáy, sông Hoàng Long để thực hiện ý tưởng Ninh Bình trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước.
Nguồn vốn đầu tư sân bay sẽ bao gồm ngân sách của tỉnh Ninh Bình mới và nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách Trung ương. Thời gian thi công 2 trục đường, 9 cây cầu không quá 12 tháng.
Trong báo cáo gửi tới Chính phủ vào đầu tháng 7, Bộ Xây dựng cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất xây dựng sân bay quốc tế tại Ninh Bình của doanh nghiệp này.
Đồng thời, bộ đề xuất cấp có thẩm quyền giao UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lập đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng.