Minh bạch hóa và phát triển bền vững trong kiểm soát ô nhiễm nhựa

Trước thực tế tái chế tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng ngành nhựa cần hệ thống dữ liệu đầy đủ, đồng bộ về nguyên liệu, phế liệu để có cái nhìn toàn diện, làm cơ sở đáp ứng xu hướng phát triển.

Sáng 9/7, Hội thảo Nhóm Công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) Việt Nam lần thứ 6 đã được tổ chức.

Nỗ lực đa bên trong kiểm soát ô nhiễm nhựa

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Đức Đam Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, những năm qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp để triển khai các chương trình, dự án nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Ông Quang nhấn mạnh: "Nhờ những nỗ lực phối hợp đồng bộ và quyết liệt đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và từng bước cải thiện hình ảnh quốc gia, đưa tên ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới".

Minh bạch hóa và phát triển bền vững trong kiểm soát ô nhiễm nhựa- Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Đam Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Thông qua các trụ cột chiến lược, Chương trình đã góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách có chiều sâu, khuyến khích các sáng kiến đổi mới, mở ra cơ hội đầu tư và khơi thông tài chính cho các giải pháp thực tiễn.

Qua đó, ông Quang cho rằng, chương trình hỗ trợ Việt Nam từng bước tiến tới quản lý hiệu quả vấn đề rác thải nhựa, thực hiện Thỏa thuận Toàn cầu về ô nhiễm nhựa, đóng góp vào nỗ lực xây dựng tương lai bền vững cho nhân loại.

Tại hội thảo, bà Fanny Quertamp - Cố vấn GIZ đã chỉ ra rằng thị trường tái chế nhựa tại Việt Nam đang vận hành trong một hệ sinh thái phức tạp và phân mảnh, chịu ảnh hưởng lớn từ các hoạt động không chính thức.

Minh bạch hóa và phát triển bền vững trong kiểm soát ô nhiễm nhựa- Ảnh 2.

Bà Fanny Quertamp - Cố vấn GIZ.

"Các động lực chính sách hiện nay như hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa, nghĩa vụ mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR), Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, buộc ngành tái chế phải thích ứng nhanh chóng", bà Fanny nói.

Từ những quan sát thực tiễn, bà Fanny đưa ra một loạt khuyến nghị nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của thị trường tái chế nhựa. Theo đại diện GIZ: "Việc thiết lập một nền tảng kỹ thuật số thân thiện với người dùng, tận dụng được chuyên môn trong nước và quốc tế, sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả thị trường".

Cảnh báo ô nhiễm rác thải nhựa

Cụ thể, bà đề xuất cần hợp lý hóa quy trình tìm nguồn cung ứng và giao dịch vật liệu tái chế, đảm bảo đáp ứng được xu hướng và nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Một trong những điểm nhấn là việc thiết lập một môi trường giao dịch số an toàn, đáng tin cậy với các tính năng như xác minh người dùng, phương thức thanh toán an toàn, công cụ giao tiếp trực tiếp, dịch vụ kiểm định chất lượng và cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng.

Bà nhấn mạnh: "Chuyển đổi số không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là đòn bẩy để thúc đẩy chính thức hóa, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ nghĩa vụ EPR". Ngoài ra, tính bền vững của doanh nghiệp và khả năng tài chính cũng là điều kiện tiên quyết, đòi hỏi các bên tham gia phải có mô hình kinh doanh vững chắc để đảm bảo phát triển lâu dài.

Chính thức hóa ngành tái chế và minh bạch dữ liệu

Tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết: Mặc dù ngành nhựa trong nước phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu đầu vào, nhưng sản phẩm nhựa lại được xuất khẩu gián tiếp thông qua nhiều lĩnh vực như dệt may, thủy sản, gạo, hạt tiêu, điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện… Điều này cho thấy vai trò quan trọng của ngành nhựa trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

"Thực tế, nhu cầu tiêu dùng nhựa tại Việt Nam đang rất lớn, song phần lớn vẫn dựa vào nguồn nhựa tái chế đã tích lũy từ những năm trước. Trong khi đó, cả nước có rất nhiều cơ sở tái chế nhựa đang hoạt động nhưng chưa được khai báo đầy đủ, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong công tác kiểm soát", bà Mỹ chia sẻ.

Minh bạch hóa và phát triển bền vững trong kiểm soát ô nhiễm nhựa- Ảnh 3.

Mô hình thu gom rác thải tái chế.

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề và đơn vị liên quan cũng chưa được tạo điều kiện tiếp cận dữ liệu cần thiết, từ đó hạn chế khả năng thống kê và đánh giá đúng thực trạng của ngành.

Từ những vướng mắc trên, bà Mỹ đề xuất cần có hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia đầy đủ và đồng bộ liên quan đến nguyên liệu và phế liệu nhựa. Việc tiếp cận được nguồn dữ liệu chính xác không chỉ giúp ngành nhựa có cái nhìn toàn diện, mà còn là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững.

Đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, dự báo đến năm 2030, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm và tỉ lệ tái chế có sự điều chỉnh tích cực, nhu cầu phế liệu nhựa tại Việt Nam có thể lên tới 4,2 triệu tấn. Khi đó, nguồn phế liệu trong nước được kỳ vọng có thể đáp ứng khoảng 84% nhu cầu.

Minh bạch hóa và phát triển bền vững trong kiểm soát ô nhiễm nhựa- Ảnh 4.

Trước thực tế tái chế tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng ngành nhựa cần hệ thống dữ liệu đầy đủ, đồng bộ về nguyên liệu, phế liệu để có cái nhìn toàn diện, làm cơ sở đáp ứng xu hướng phát triển.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành nhựa Việt Nam cần nhanh chóng đầu tư phát triển lĩnh vực tái chế, đi đôi với việc xây dựng các nhà máy tái chế bài bản, có sự hỗ trợ cụ thể về chính sách và thể chế.

Chính vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng được bà Mỹ nhấn mạnh là chính thức hóa hoạt động của khối thu gom và tái chế phi chính thức, lực lượng đang đóng vai trò nòng cốt trong ngành nhưng chưa được công nhận và hỗ trợ đúng mức.

Bên cạnh đó, thay vì áp dụng hạn ngạch nhập khẩu phế liệu, Việt Nam nên đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt để kiểm soát, qua đó vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo nguồn cung nguyên liệu tái chế cho ngành công nghiệp trong nước.

Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/minh-bach-hoa-va-phat-trien-ben-vung-trong-kiem-soat-o-nhiem-nhua-a143527.html