Siết kiểm định khí thải mô tô, xe máy

Mô tô, xe máy phải đạt khí thải mức 2 mới được lưu hành tại Hà Nội và TP HCM từ năm 2027

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mô tô, xe máy lưu hành ở Việt Nam.

Còn nhiều băn khoăn

Theo dự thảo, thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe máy lưu hành tại Hà Nội và TP HCM là từ ngày 1-1-2027. Tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác - gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế - thời điểm áp dụng là từ ngày 1-1-2028. Các địa phương còn lại sẽ tiến hành kiểm định khí thải từ đầu năm 2030 hoặc sớm hơn tùy tình hình thực tế.

Dự thảo nêu rõ mô tô sản xuất trước năm 2008 áp dụng khí thải mức 1, mô tô sản xuất từ năm 2008-2016 áp dụng mức 2, mô tô sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30-6-2026 áp dụng mức 3, mô tô sản xuất sau ngày 1-7-2026 áp dụng mức 4. Với xe máy, nếu sản xuất trước năm 2016 thì áp dụng mức 1, sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30-6-2027 áp dụng mức 2, sản xuất từ tháng 7-2027 áp dụng mức 4.

Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM sẽ áp dụng quy định về khí thải nghiêm ngặt nhất. Cụ thể, từ ngày 1-1-2032, các loại mô tô, xe máy lưu hành trên địa bàn 2 thành phố này phải đáp ứng quy định về khí thải từ mức 2 trở lên. Ngoài ra, mô tô, xe máy lưu hành vào vùng phát thải thấp của Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô phải đáp ứng quy định về khí thải theo nghị quyết của HĐND.

Dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận được sự đồng tình bởi tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng do số lượng không nhỏ phương tiện cũ nát, xe không biển số... vẫn lưu hành đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đô thị. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị xem xét cho phép một số xe đời cũ được sử dụng nếu đạt tiêu chuẩn khí thải nhờ được bảo dưỡng tốt.

Ông Trương Gia Hiển (TP Thủ Đức, TP HCM) mua chiếc xe máy thương hiệu Honda từ năm 2015 nhưng vẫn còn khá mới do bảo dưỡng tốt. Tuy nhiên, theo quy định, đến năm 2032 - thời điểm chiếc xe hoạt động được 18 năm - sẽ không được phép sử dụng tại TP HCM. Tương tự, bà Ngô Kim Yến (quận 6, TP HCM) sử dụng chiếc xe Cub 84 từ năm 2000. Đây là dòng xe "nghĩa địa" đã được thải bỏ ở nước ngoài song vẫn hoạt động tốt vì ít sử dụng. Nếu không được phép sử dụng xe do khí thải không đạt, nhiều chủ phương tiện phải bán xe với giá rẻ hoặc bỏ hẳn.

Siết kiểm định khí thải mô tô, xe máy- Ảnh 1.

Đại lý của các hãng sản xuất xe máy sẽ tham gia kiểm định khí thải mô tô, xe máy

Quy định rõ tiêu chuẩn nhiên liệu

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, không chỉ xe máy phải đạt mức khí thải theo quy định mà nhiên liệu (xăng) cho phương tiện này cũng phải phù hợp mới đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương được giao bảo đảm cung ứng nhiên liệu phù hợp cho phương tiện giao thông nhưng chưa nêu rõ tiêu chuẩn cụ thể và loại nhiên liệu cụ thể, chẳng hạn xăng sinh học hay xăng có hàm lượng lưu huỳnh thấp. "Cần quy định rõ tiêu chuẩn nhiên liệu Euro 4, Euro 5 tương ứng với các mức khí thải, đồng thời bảo đảm giá nhiên liệu phù hợp để khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn" - ông Dũng kiến nghị.

Liên quan tính khả thi và tác động xã hội, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhận định việc kiểm định khí thải sẽ tăng thêm chi phí cho người dân, nhất là với những người sử dụng xe cũ hoặc người dân ở khu vực nông thôn. Bởi vậy, ông cho rằng nên xem xét miễn, giảm phí kiểm định khí thải cho các hộ nghèo, người sử dụng xe cũ trong giai đoạn đầu áp dụng quy định (2027-2030). Về giải pháp, có thể xây dựng chương trình thu đổi xe cũ, hỗ trợ mua xe mới đạt chuẩn khí thải thông qua kết hợp với các nhà sản xuất xe máy.

Một điểm khác cần quan tâm, theo các chuyên gia, đó là dự thảo chưa nêu rõ biện pháp xử lý khi xe không đạt tiêu chuẩn khí thải nên có thể gây lúng túng trong thực thi. Ông Dũng góp ý nên có quy định cụ thể về hình thức xử phạt (phạt tiền, tạm giữ phương tiện) và quy trình khắc phục (sửa chữa, kiểm định lại). Song song đó là xây dựng cơ chế khuyến khích giảm phí đăng kiểm cho xe đạt chuẩn ngay lần đầu. "Có thể xem xét lộ trình dài hạn đến sau năm 2032 với quy định mức khí thải cao hơn, chẳng hạn mức 5, để bảo đảm tính bền vững. Ngoài ra, nên tích hợp kiểm định khí thải vào ứng dụng di động hoặc hệ thống đăng kiểm điện tử để người dân dễ dàng theo dõi lịch kiểm định và kết quả" - ông Dũng gợi ý.

Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành môi trường thuộc Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, cho hay nhiều nước trên thế giới đã kiểm soát khí thải đối với xe máy từ nhiều năm trước. Việt Nam có số lượng xe máy đang lưu hành rất lớn, trong đó nhiều xe có tuổi thọ hàng chục năm, đang gây ô nhiễm môi trường nên cần có sự kiểm soát. Với lộ trình được nêu ra trong dự thảo, những phương tiện không đạt mức khí thải để sử dụng ở khu vực đô thị, thành phố lớn thì có thể lưu chuyển về các địa phương khác để giảm bớt ảnh hưởng về kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề cần lo ngại là không đủ cơ sở kiểm định cho hàng chục triệu mô tô, xe máy, phải cần đến nguồn lực từ xã hội hóa. 

Cần chi phí lớn để xây dựng trạm kiểm định

Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đánh giá lộ trình dự thảo về kiểm định khí thải được thực hiện theo từng giai đoạn là phù hợp. VAMM cam kết đồng hành trong việc thực hiện các quy định liên quan đến kiểm định khí thải bằng cách huy động hệ thống đại lý của các hãng xe máy trở thành cơ sở kiểm định xe máy.

Tuy nhiên, các đại lý của VAMM cần tối thiểu 1 năm rưỡi đến 2 năm để chuẩn bị nguồn lực và cơ sở vật chất; riêng khu vực Hà Nội và TP HCM có thể đáp ứng được quy định thực hiện vào đầu năm 2027. Theo ước tính, để đáp ứng nhu cầu kiểm định khí thải mô tô, xe máy, cần 3.971 trạm kiểm định trên toàn quốc, trong đó cần xây mới 2.203 trạm. Nếu chi phí đầu tư cho 1 trạm kiểm định là 400 triệu đồng, tổng chi phí cho 3.971 trạm là khoảng 1.588 tỉ đồng.


Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/siet-kiem-dinh-khi-thai-mo-to-xe-may-a138942.html