Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý việc tung tin trứng giả

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị có liên quan đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý việc tung tin về trứng giả.

Sáng 22-5, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN-MT) tổ chức Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững.

Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý việc tung tin trứng giả- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến (giữa)

Theo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, năm 2024, với sản lượng thịt gia cầm 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 2 tỉ quả không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, ngành gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ.

Sự tăng trưởng của ngành, nhất là giá trị sản xuất, có xu hướng giảm dần, thậm chí ngành hàng này bắt đầu rơi vào giai đoạn khủng hoảng.

Trong đó có khủng hoảng về giá, thị trường, về mô hình phát triển và xa hơn là khủng hoảng niềm tin của doanh nghiệp về tương lai bất định.

Đáng chú ý, thời gian qua, một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật về "trứng gà giả", "trứng gà 2 lòng đỏ". Điều này gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm trong nước.

Tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-MT, đề nghị Cục Chăn nuôi và Thú y có văn bản gửi Bộ Công an điều tra, xử lý những thông tin trên mạng xã hội về trứng giả; đồng thời phối hợp với lực lượng công an để kiểm soát tốt buôn lậu gia cầm.

"Đất nước với chiều dài đường biên giới lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, kiểm soát được buôn lậu thì không giữ được thị trường, đảm bảo sự phát triển của ngành chăn nuôi" - lãnh đạo Bộ NN-MT lưu ý.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, để sản xuất một số quả trứng nhân tạo, một số quốc gia trên thế giới đã từng làm thử như sử dụng từ nguyên liệu đậu tương nhưng hiệu quả kinh tế, dinh dưỡng không cao, đắt hơn trứng thật bán ra thị trường.

Trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về làm trứng giả, theo ông Sơn chủ yếu là bơm lòng đỏ, lòng trắng vào vỏ trứng thật để dàn dựng, câu view.

Theo đó, Hiệp hội đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công an và các cơ quan liên quan đề nghị phối hợp, điều tra, có biện pháp xử lý thích đáng theo quy định pháp luật.

"Cơ quan chức năng cần sớm có văn bản chính thức để xác nhận rằng ở Việt Nam chưa có chuyện làm giả, ngăn chặn tin đồn thất thiệt ảnh hưởng tới ngành hàng" - ông Sơn nói.

Theo bà Chu Thị Hồng Thủy, Tổng giám đốc Tafa Group, thông tin trứng giả ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào hệ thống chăn nuôi, trứng giả ảnh hưởng tới lượng tiêu thụ toàn thị trường, tới thương hiệu của cả ngành hàng.

Qua vụ việc, bà Thủy nhấn mạnh Việt Nam cần nâng chuẩn về chất lượng trứng gia cầm trong nước gắn với xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng yên tâm, nhắc tới trứng gà Việt Nam là hoàn toàn tự tin, không bị ảnh hưởng bởi thông tin giả.

"Các nhà sản xuất trứng cần liên kết với nhau xây dựng tiêu chuẩn chung, người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm doanh nghiệp trong hiệp hội là hoàn toàn yên tâm, tránh bị ảnh hưởng tới thông tin trái chiều" - bà Thủy nhấn mạnh thêm.

Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/de-nghi-bo-cong-an-dieu-tra-xu-ly-viec-tung-tin-trung-gia-a138671.html