Ngày 19/5, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, làm chết 61 người, bị thương 58 người. Trong đó, tai nạn liên quan đến người đi bộ xảy ra 10 vụ, làm chết 6 người, bị thương 7 người, đây là một thực trạng cần quan tâm, đảm bảo quyền lợi, sự an toàn của người đi bộ cũng như các phương tiện tham gia giao thông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu do chủ quan của người tham gia giao thông là chính: do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không nhường đường cho người đi bộ, bên cạnh đó, một số trường hợp do người đi bộ không chấp hành đúng nguyên tắc khi tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát để đảm bảo an toàn khi đi qua đường. Thời điểm xảy ra tai nạn thường vào ban đêm hoặc lúc nhập nhoạng tối.
Theo đó, vào khoảng 18h30 ngày 21/1/2025 tại đường ĐH29 thuộc thôn Mậu Lâm Nam, xã Hoà Quang Nam, huyện Phú Hoà, anh Nguyễn Văn B. (SN 2006; trú tại thôn Thạnh Lâm, xã Hoà Quang Bắc, huyện Phú Hoà) điều khiển xe mô tô lưu hành theo hướng Nam-Bắc va chạm với bà Võ Thị C. (SN 1940; trú tại thôn Mậu Lâm Nam, xã Hoà Quang Nam, huyện Phú Hoà) đang đứng xếp tấm bạt ở lề đường, vụ tai nạn đã làm bà C. tử vong.
Khoảng 17h10 ngày 12/4/2025 tại QL1 thuộc thôn Chánh Lộc, Xuân Lộc, Sông Cầu, ông Nguyễn Văn K. (SN 1950; trú thôn Mỹ Phụng, Xuân Lộc, Sông Cầu) điều khiển xe mô tô lưu hành theo hướng Bắc – Nam va chạm với cháu Nguyễn Duy Kh. (SN 2015, là học sinh lớp 4) đang đi bộ qua đường, vụ tai nạn làm ông K. bị chấn thương sọ não.
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ hoặc tại nơi mà người đi bộ đang qua đường.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện khi thấy người đi bộ đang qua đường không giảm tốc độ, không nhường đường cho người đi bộ, đây là hành vi nguy hiểm, vi phạm quy tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, rất dễ gây ra tai nạn.
Đối với người đi bộ, tại Điều 30 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, người đi bộ phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình.
Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ.
Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay.
Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đường bộ đang di chuyển; khi mang, vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt.
Người khuyết tật sử dụng xe lăn có động cơ hoặc không có động cơ phải đi trên vỉa hè, lề đường và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ.
Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dẫn dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết là người khiếm thị. Người mất năng lực hành vi dân sự khi đi trên đường bộ phải có người dẫn dắt.
Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự khi đi qua đường.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, thì người đi bộ có thể bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Người đi bộ nếu không chấp hành đúng luật không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì người tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ nếu không chấp hành đúng quy định của pháp luật dẫn đến gây ra tai nạn giao thông, tùy theo mức độ có thể bị truy cứu theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên khuyến cáo, để phòng, tránh tai nạn có liên quan đến người đi bộ, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.
Đối với người điều khiển phương tiện phải quan sát kỹ khi lưu thông trên đường, đi đúng phần đường, làn đường quy định, có ý thức nhường đường cho người đi bộ.
Đối với người đi bộ phải đi đúng nơi dành cho người đi bộ, không được trèo qua dải phân cách, không được đi sang đường giữa hai xe đang đỗ hoặc có vật cản; đi bộ sang đường ở nơi có đèn tín hiệu và vạch cho người đi bộ, khi qua đường phải quan sát kỹ để đảm bảo an toàn; khi đi ban đêm nên mặc quần áo sáng màu.
Hoàng Mai
Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/nguoi-di-bo-vi-pham-luat-giao-thong-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-a138283.html