Ngỡ ngàng với khoản phạt thuế lên đến 120 tỷ đối với một ban quản trị chung cư tại TP.HCM

Quyết định xử phạt thuế với một ban quản trị chung cư lên tới 120 tỷ đồng khiến nhiều người bất ngờ khi đối tượng bị xử phạt không còn giới hạn ở doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mà mở rộng đến cả ban quản trị của một chung cư.

Những ngày qua, thông tin Ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị phạt hơn 119 tỷ đồng vì trốn thuế hơn 453 triệu đồng qua việc không lập 7.260 tờ hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho cư dân trở thành chủ đề bàn luận.

Trong đó, tình tiết tăng nặng là ban quản trị chung cư này đã vi phạm nhiều lần. Ngoài hình thức phạt tiền, nhà chức trách buộc ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á phải khắc phục hậu quả bằng cách lập lại hóa đơn và giao cho cư dân.

Ngỡ ngàng với khoản phạt thuế lên đến 120 tỷ đối với một ban quản trị chung cư tại TP.HCM- Ảnh 1.

Chung cư Conic Đông Nam Á.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, việc doanh nghiệp hay cá nhân bị xử phạt thuế do vi phạm quy định không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, quyết định xử phạt Ban quản trị chung cư Conic đã khiến nhiều người bất ngờ bởi hai điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, mức phạt hành chính lên tới 120 tỷ đồng - con số quá "khủng" so với mặt bằng chung. Thứ hai, đối tượng bị xử phạt không còn giới hạn ở doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh, mà đã mở rộng đến cả ban quản trị của một chung cư.

Ông Tuấn nhìn nhận vụ việc trên đặt ra nhiều câu hỏi: Số tiền 119 tỷ đồng đâu ra? Trong quyết định chỉ nhắc tới lý do chính khi ban quản trị không xuất hoá đơn khi cung cấp dịch vụ nước cho cư dân, chứ không nhắc tới nguyên nhân thực sự phía sau chính là lỗi hành vi lặp lại nhiều lần cụ thể là 7.260 lần và mỗi lần vi phạm không xuất hoá đơn là 10-20 triệu đồng tính tổng số tiền phạt có tình tiết tăng nặng là 119 tỷ.

Câu hỏi tiếp theo là rủi ro phạt thuế tối đa là bao nhiêu? Theo ông Tuấn, số tiền phạt này lớn hơn tổng doanh thu cung cấp nước cho cả toà chung cư này trong 3 năm, có nghĩa là một hoá đơn trị giá 2 triệu nhưng nếu không xuất hoá đơn thì mỗi lần bị phạt vi phạm là 20 triệu còn lớn hơn cả 10 lần so với giá trị gốc. Với vụ việc của Ban quản trị chung cư Conic là một minh chứng cho thấy rủi ro thuế ngày càng gia tăng đối với các cá nhân và tổ chức.

Vậy những trường hợp nào phải xuất hoá đơn? Theo quy định của luật thuế khi cung cấp hàng hoá dịch vụ cho một đối tượng thì bắt buộc phải xuất hoá đơn. Nhưng trong thực tế rất nhiều giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt/chuyển khoản như ăn uống, môi giới bất động sản, bán hàng online, thiết kế... không hề xuất hoá đơn, cứ nghĩ là không ai biết nhưng cơ quan thuế vẫn có cách để biết, vị chuyên gia cho hay.

Ông lấy ví dụ một công ty cung cấp dịch vụ ăn uống cho 1.000 người/tháng mà không có hóa đơn thì rủi ro có thể bị phạt là 1.000 x 20 triệu đồng = 20 tỷ đồng.

Theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu số tiền trốn thuế vượt quá 100 triệu đồng. Hình phạt có thể từ 3 tháng đến 1 năm tù giam, tùy theo mức độ vi phạm và các tình tiết liên quan.

Để biết mình còn nợ thuế hay không, ông Tuấn cho rằng mọi người nên sử dụng eTax Mobile, tải ứng dụng từ CH Play/App Store, đăng nhập bằng mã số thuế hoặc VNeID. Sau đó vào tiện ích -> Tra cứu nghĩa vụ thuế -> Tất cả nghĩa vụ thuế -> Tra cứu -> Kiểm tra số tiền nợ ở mục còn phải nộp.

Là một đơn vị tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín - cho rằng quyết định xử phạt của cơ quan thuế đối với Ban quản trị chung cư vì hành vi không lập hoá đơn, sẽ có hai trường hợp đặt ra cụ thể.

Ngỡ ngàng với khoản phạt thuế lên đến 120 tỷ đối với một ban quản trị chung cư tại TP.HCM- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín.

Thứ nhất, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được lặp đi lặp lại tại nhiều thời điểm khác nhau (vi phạm nhiều lần) cơ quan thuế sẽ phạt lỗi theo hành vi với tình tiết tăng nặng tức là chỉ phạt một hành vi. Cụ thể trong trường hợp này là hành vi cung cấp dịch vụ nhiều lần không lập hóa đơn thì xử phạt một hành vi vi phạm là không lập hóa đơn với tình tiết tăng nặng.

Thứ hai, mỗi một lần Ban quản trị không lập hoá đơn khi cung cấp dịch vụ sẽ tính là một lần vi phạm và bị cơ quan thuế xử lý lỗi "từng hành vi". Trường hợp này vi phạm nhiều lần không lập hóa đơn thì cộng tất cả các lần vi phạm này với tình tiết tăng nặng. Theo ông Được, với con số phạt đến gần 120 tỷ như trong quyết định trên cho thấy cơ quan thuế đã xử phạt theo trường hợp thứ 2 tức là phạt theo "từng hành vi"

Cũng theo ông Được, kết luận nội dung tố cáo và đối chiếu các quy định nêu trên cho thấy vi phạm đã làm thất thoát khoảng trên 453 triệu đồng tiền thuế nhưng xử phạt hành chính lên đến gần 120 tỷ đồng. 

"Mức phạt rất cao gây áp lực cho người bị xử lý vi phạm hành chính (doanh nghiệp, người nộp thuế...), khiến không có khả năng thi hành quyết định xử phạt hành chính dẫn đến mục tiêu của xử lý vi phạm hành chính không đạt được. Đồng thời cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến các quyết định xử phạt hành chính không được thi hành trong thời hạn 12 tháng theo quy định", ông Được quan ngại.


Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/ngo-ngang-voi-khoan-phat-thue-len-den-120-ty-doi-voi-mot-ban-quan-tri-chung-cu-tai-tphcm-a137770.html