Ngày 12/5, TS.BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ Ung thư, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết bệnh nhân T. (42 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 1B3 ở tuần thai thứ 26.
Trong tình huống tưởng chừng phải đối diện với lựa chọn đau lòng giữa tính mạng của bản thân và sự sống của thai nhi bé nhỏ, sản phụ đã may mắn được các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tư vấn và điều trị theo phác đồ hóa trị tân hỗ trợ.
Đây là một phác đồ hiện đại giúp kiểm soát sự tiến triển của khối u, đồng thời bảo đảm an toàn cho thai kỳ trước khi tiến hành phẫu thuật ở thời điểm thích hợp.
Dưới sự theo dõi chặt chẽ của đội ngũ bác sĩ, thai nhi phát triển ổn định suốt 10 tuần sau hóa trị. Khi thai được 36 tuần và được đánh giá đủ điều kiện để can thiệp an toàn, TS.BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ Ung thư đã chỉ định mổ lấy thai kết hợp phẫu thuật triệt căn.
Ê-kíp thực hiện phẫu thuật cho thai phụ. Ảnh: BVCC.
"Điều khó khăn nhất trong ca phẫu thuật là nguy cơ chảy máu rất cao do sự tăng sinh mạch máu trong thai kỳ. Chúng tôi đã phải phối hợp liên chuyên khoa và áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con", TS.BS Nguyễn Văn Thắng nói.
Sau phẫu thuật, bé trai chào đời khỏe mạnh, sức khỏe của sản phụ ổn định và tiếp tục được theo dõi sát sao.
Theo bác sĩ Thắng, trước đây, với những ca ung thư được phát hiện trong thai kỳ, đa số thai phụ buộc phải chấm dứt thai sớm để ưu tiên điều trị ung thư kịp thời. Tuy nhiên, nhờ những cập nhật mới trong phác đồ điều trị, hiện nay, các bác sĩ có thể đồng thời duy trì thai kỳ và xử lý bệnh lý ung thư, mở ra hy vọng làm mẹ cho nhiều phụ nữ không may mắc bệnh trong giai đoạn mang thai.
"Trường hợp của sản phụ T. là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của điều trị đa chuyên khoa, cũng như sự tiến bộ của y học hiện đại trong lĩnh vực ung thư phụ khoa", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Khám phụ khoa định kỳ là cách quan trọng giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung - căn bệnh tiến triển âm thầm nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả. Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng phụ khoa và thực hiện xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) để phát hiện sớm tế bào bất thường.
Ngoài ra, xét nghiệm HPV - virus gây hơn 95% ca ung thư cổ tử cung - cũng được khuyến cáo kết hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định soi cổ tử cung để đánh giá kỹ hơn. Phụ nữ nên khám phụ khoa mỗi năm một lần và tầm soát định kỳ theo khuyến cáo, kết hợp tiêm vaccine HPV để phòng bệnh hiệu quả từ sớm.Thai phụ mắc ung thư vẫn sinh con an toàn.
Minh Hoa (t/h theo báo Nhân Dân, Znews)
Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/thai-phu-42-tuoi-mac-ung-thu-sinh-con-an-toan-a137648.html