Từ món ăn khoái khẩu khó cưỡng
Từ lâu, những món ăn chế biến từ nội tạng động vật như lòng, dạ dày, gan, tim, tiết canh… đã trở thành nét riêng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Theo khảo sát tại Thành phố Hà Nội, các món ăn chế biến từ nội tạng luôn thu hút lượng khách lớn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm như sáng sớm và buổi tối.
Tại một quán lòng ở Mỹ Đình, không khí buổi sáng luôn đông đúc, tấp nập với khách hàng đứng chờ. Những chiếc bàn được xếp san sát, thực khách chen chân đứng chờ món ăn chế biến từ nội tạng động vật. Khách hàng ở đây chủ yếu là nam giới, từ các công nhân, dân văn phòng đến những người làm nghề tự do.
Tại một quán lòng ở Mỹ Đình, không khí buổi sáng luôn đông đúc, tấp nập.
Anh Phạm Văn Thắng - một khách quen của quán, cho biết: “Sáng nào tôi cũng ghé qua quán này để ăn món lòng trần ăn kèm cháo. Đơn giản, nhanh chóng mà no bụng. Quán lúc nào cũng đông đúc, đặc biệt là cánh đàn ông, chúng tôi thích những món ăn này lắm”.
Khi được hỏi đến vấn đề thực phẩm bẩn, anh Thắng chia sẻ dù có thấy những thông tin trên mạng xã hội thời gian gần đây nhưng anh vẫn lựa chọn món ăn này. Theo đó, từ những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân nên anh có thể biết được “miếng lòng như nào là ngon, là tươi”. Đồng thời anh cũng bổ sung thêm, bản thân đã “ăn ở đây cả chục năm rồi, không thấy có vấn đề gì cả”.
Những món ăn chế biến từ nội tạng động vật đã trở thành nét riêng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Cùng quan điểm, anh Trần Mạnh Nghĩa nói tiếp: “Nếu nói bẩn thì đâu chỉ nội tạng, bây giờ cái gì cũng tiềm ẩn rủi ro cả. Ăn uống quan trọng là phải biết chọn chỗ tin cậy. Tôi đi ăn chỗ quen, nhìn qua cách họ sơ chế, nấu nướng là biết. Chứ bảo sợ thì chắc chẳng dám ăn gì nữa”.
Quả thật, không thể phủ nhận sức hút khó cưỡng từ những món ăn này. Theo quan sát tại các khu phố nổi tiếng với các quán nướng, như phố Gầm Cầu, Lò Đúc, hay Trần Khát Chân, vào mỗi buổi tối, lượng khách kéo đến đông nghịt.
Những quán nướng vỉa hè với mùi thơm của nầm bò, lòng nướng, chân gà… là điểm gặp mặt của nhiều nhóm bạn bè và cả gia đình.
Những quán nướng vỉa hè là điểm gặp mặt của nhiều nhóm bạn bè và cả gia đình.
Dẫn cả con nhỏ đi theo, gia đình chị Nguyễn Mai Lan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Lâu lâu gia đình tôi sẽ ra ngoài ăn uống để đổi bữa, có mấy món ăn vặt nên bé cũng vui vẻ ngồi chơi”.
Chị cũng chia sẻ cách chọn “lòng, nầm lúc tươi là khi nướng lên thấy thơm, ăn giòn sần sật, chứ không bị hôi hay dai”. Chỉ ăn vài lần là biết chỗ nào làm cẩn thận, sạch sẽ.
Đến hiểm họa không thể xem nhẹ
Tuy nhiên, liệu những cảm nhận bằng giác quan của khách hàng có đủ đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong bối cảnh thực phẩm bẩn vẫn đang len lỏi vào từng ngõ ngách thị trường? Ít ai ngờ rằng, nguồn gốc của những thực phẩm tạo nên các món ăn ngon miệng không phải lúc nào cũng sạch sẽ, tươi ngon như chúng ta vẫn tưởng.
Sau lớp vỏ bắt mắt ấy vẫn tồn tại những đường dây vận chuyển, tẩy rửa và chế biến nội tạng thối, thực phẩm giả mạo, thậm chí thực phẩm nhiễm độc, đang âm thầm len lỏi vào các bữa ăn hàng ngày của người dân.
Thực tế, chỉ trong vài tháng gần đây, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng chục tấn nội tạng động vật bốc mùi, tẩy rửa hóa chất, chuẩn bị tuồn vào các chợ đầu mối, rồi phân phối ra các quán ăn, nhà hàng.
Nội tạng được đóng trong túi nilon không nhãn mác, có dấu hiệu phân hủy.
Gần đây nhất, Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 17 - Chi cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với đội 7- Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra đã phát hiện và thu giữ hơn 7 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tại kho đông lạnh thuộc Công ty Đức Tấn Sài Gòn, địa chỉ số 1, km12, đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Trong quá trình kiểm tra kho đông lạnh, lực lượng chức năng phát hiện 7.010 kg trứng non, tràng gà, nầm lợn. Toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Tổng giá trị của số hàng vi phạm ước tính lên đến hơn 664 triệu đồng. Theo ghi nhận, nội tạng được đóng trong túi nilon không nhãn mác, có dấu hiệu phân hủy, rất nguy hiểm nếu đưa vào tiêu thụ.
Trước đó, cuối tháng 4/2025, cơ quan này cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, phát hiện gần 11 tấn thịt bò và nội tạng bò, như: Lòng bò, gân bò, bì bò, họng bò, xách bò, xương bò, dạ dày bò, gan, phổi bò... đông lạnh chưa qua sử dụng, được để trong túi nilon không có nhãn mác, thông tin về sản phẩm.
Đặc biệt nhiều loại thực phẩm có dấu hiệu bị hư hỏng, bốc mùi khó chịu. Chủ hộ kinh doanh này không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa và khai nhận, thịt, nội tạng bò được cơ sở thu mua trôi nổi trên thị trường, qua nhiều nguồn khác nhau.
Điều này đặt ra mối lo ngại lớn, bởi trên thực tế, rất khó để người tiêu dùng có thể phân biệt được đâu là nội tạng tươi thật sự, đâu là hàng đã qua xử lý hóa chất để “tân trang” lại bề ngoài. Đặc biệt, những món nướng, luộc, cháo lòng... sau khi tẩm ướp, chế biến kỹ càng lại càng khó phát hiện dấu hiệu bất thường.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nội tạng động vật khi bị phân hủy là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.Coli, Clostridium perfringens phát triển.
Dù được tẩy rửa bằng hóa chất, mầm bệnh không bị loại bỏ hoàn toàn, trong khi các chất độc như formol, hàn the, natri sunfit lại tồn dư, âm thầm gây hại cho gan, thận, hệ thần kinh và làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Vì vậy, ông cũng đưa ra khuyến cáo, nội tạng động vật chỉ an toàn khi được bảo quản đúng cách, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
Thực tế, việc tiêu thụ thịt và nội tạng không rõ xuất xứ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người tiêu dùng có thể ăn phải thực phẩm từ động vật nhiễm bệnh, đối mặt với nguy cơ nhiễm vi khuẩn gây hại như Salmonella, E.Coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu vàng.
Chưa kể, để "tân trang" nội tạng ôi thiu, không ít tiểu thương sử dụng hóa chất độc hại, gây tổn hại lâu dài cho sức khỏe. Sử dụng những thực phẩm này trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh mạn tính, trong đó ung thư - "sát thủ thầm lặng" và là hiểm họa không thể xem nhẹ.
Link nội dung: https://www.saigonmoi24.com/noi-tang-dong-vat-net-rieng-van-hoa-hay-moi-nguy-kho-luong-a137283.html