Bộ Công Thương ban hành công điện khẩn ứng phó bão số 3 Wipha

20/07/2025 12:02

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu toàn ngành Công Thương tập trung cao độ ứng phó bão số 3 Wipha 24/24h với tinh thần “chủ động, khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả”.

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm và tốc độ di chuyển nhanh của bão số 3 Wipha, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 5380, yêu cầu toàn ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn cho hệ thống năng lượng, công nghiệp và chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16h ngày 19/7/2025, tâm bão số 3 (WIPHA) nằm trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, ở vị trí khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc và 118,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 10 (89–102 km/h), giật cấp 12.

Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20 km/h và có xu hướng tiếp tục mạnh thêm. Dự báo đến chiều ngày 20/7, bão sẽ áp sát đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Trong biển, sức gió có thể đạt cấp 12, giật cấp 15.

Cơn bão được đánh giá có phạm vi ảnh hưởng rộng, cường độ mạnh và mức độ rủi ro thiên tai cao. Hoàn lưu bão kết hợp gió mùa Tây Nam và các hình thái thời tiết cực đoan khác dự báo gây ra mưa to đến rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng tại các đô thị.

Bộ Công Thương ban hành công điện khẩn ứng phó bão số 3 Wipha- Ảnh 1.

Tất cả các đơn vị thuộc ngành Công Thương phải trực ban nghiêm túc 24/24h.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 112/CĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu toàn ngành, từ các cục, vụ chức năng, tập đoàn nhà nước đến Sở Công Thương địa phương, tập trung cao độ ứng phó bão với tinh thần “chủ động, khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả”.

Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (A0) được yêu cầu điều tiết linh hoạt các nguồn điện, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia; sẵn sàng phương án cấp điện ưu tiên cho các khu vực trọng điểm và nhanh chóng khắc phục nếu có sự cố.

Phải phối hợp với các địa phương, chủ hồ thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du khi xả lũ, tránh tình trạng lũ chồng lũ.

Các đơn vị điện lực tại địa phương cần trực chiến 24/24h, tăng cường kiểm tra lưới điện, đặc biệt là các đường dây cao thế, trạm biến áp, khu vực xung yếu và có nguy cơ cây đổ, sạt lở.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) được chỉ đạo khẩn trương rà soát, kiểm tra công tác phòng chống sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt tại các khu khai thác than – khoáng sản, nhất là tại Quảng Ninh. Các bãi thải, hồ chứa, hầm lò… cần được gia cố chắc chắn, sẵn sàng di dời người và thiết bị đến nơi an toàn.

Các đơn vị khai thác khoáng sản trên cả nước được yêu cầu tạm dừng hoạt động tại các khu vực có nguy cơ cao, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công nhân và khu dân cư lân cận. Đồng thời khơi thông hệ thống thoát nước, củng cố đê chắn bãi thải và tăng cường giám sát các sườn đồi có nguy cơ trượt lở.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc kiểm tra các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình thủy điện, công nghiệp nặng, khu công nghiệp ven biển, khu vực miền núi. Nếu cần thiết, phải đình chỉ thi công, sơ tán công nhân, thiết bị, vật tư ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các Sở Công Thương được yêu cầu lập kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước sạch, đèn pin, xăng dầu... tại các khu vực có nguy cơ bị cô lập hoặc chia cắt do mưa lũ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải kiểm tra, rà soát hệ thống kho, bến xuất, tuyến ống, cửa hàng xăng dầu, có phương án phòng chống tràn dầu, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh gián đoạn cung ứng trong bất kỳ tình huống nào.

Bão số 3 mạnh lên từng ngày, di chuyển nhanh còn cách Quảng Ninh-Hải Phòng 830kmHà Nội chuẩn bị phương án di dời dân, cứu hộ 24/24 ứng phó bão số 3

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị sản xuất hóa chất được yêu cầu tăng cường kiểm tra, phòng ngừa rò rỉ hóa chất độc hại trong bối cảnh mưa lớn, lũ lụt có thể ảnh hưởng đến nhà máy, kho chứa.

Công điện nhấn mạnh yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện phải thông báo kịp thời đến chính quyền và người dân vùng hạ du trước khi xả lũ, đặc biệt trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Hệ thống cảnh báo, loa phát thanh, biển báo cần được vận hành đồng bộ, liên tục và rõ ràng.

Tất cả các đơn vị thuộc ngành Công Thương phải trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi sát diễn biến bão và hoàn lưu bão, cập nhật thông tin thường xuyên về Văn phòng thường trực Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ. Mỗi ngày, trước 15h, các đơn vị phải gửi báo cáo tình hình ứng phó bão về Bộ Công Thương.

Tại Công điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Đây là giải pháp then chốt giúp phản ứng nhanh, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra.

“Cần nâng mức cảnh giác lên cao nhất, chủ động sẵn sàng mọi phương án ứng phó. Mỗi đơn vị, mỗi địa phương trong ngành Công Thương phải là một pháo đài vững chắc bảo vệ con người, công trình và tài sản trước thiên tai”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.